Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước
Đánh giá về tình hình thế giới, khu vực trong năm 2019 và những dự báo về tình hình trong năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng chắc chắn năm 2020 sẽ tiếp tục khó khăn, bất ổn; nhất là tình hình kinh tế dự báo chiều hướng tiếp tục khó khăn, thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động. Tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn khó lường ở nhiều khu vực vì chưa có các giải pháp căn cơ để giải quyết, nhất là khu vực Trung Đông, Châu Phi.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới suy giảm, cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng như bất ổn tại các khu vực, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá năm 2019 vừa qua, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì phát triển quan hệ với tất cả các nước; đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực. Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và còn mở rộng thêm với 2 nước là đối tác toàn diện, chiến lược; nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 30 nước.
Trong năm qua,Việt Nam đã nâng tầm quan hệ đa phương, ngay từ đầu năm 2019 với việc tổ chức sự kiện Mỹ-Triều tại Việt Nam, việc Việt Nam được bầu và trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của LHQ.
Quan hệ với Trung Quốc và Mỹ
Bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò kép ngoại giao đa phương (Chủ tịch ASEAN và ủy viên của HĐBA LHQ, trong năm 2020, Việt Nam không thể quên nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ đối tác, quan hệ với những đối tác quan trọng, với các nước, với láng giềng.
Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ của Việt Nam với Mỹ là trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Trong năm 2019, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ổn định với các nước này thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp. Về kinh tế thương mại, thì đây là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tăng trưởng thương mại trong năm 2019 cao.
Chúng ta xuất khẩu lớn và tiếp tục thúc đẩy được thương mại của Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trên 105 tỉ USD, tăng trưởng khoảng trên 8% so với năm 2018. Những con số đó nói lên quan hệ của chúng ta vẫn tiếp tục được duy trì.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Những vụ việc chưa từng có trong lịch sử
Do hội nhập quốc tế người Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng đông và ngày càng nhiều hơn so với trước đây. Trong năm 2019, số trường hợp bảo hộ công dân đã tăng hơn 10%; đã bảo hộ trên 13 ngàn trường hợp. Nhìn lại năm 2019, chúng ta có những vụ bảo hộ công dân chưa từng có trong lịch sử của Việt Nam: Như trường hợp xét xử vụ Đoàn Thị Hương tại Malaysia; ngay đầu năm 2019 khách du lịch Việt đi sang Ai Cập bị tai nạn đánh bom; gần cuối năm 2019 là vụ 39 công dân Việt Nam tử vong ở Anh. Đó là những vụ phải xử lý mà chưa từng có trong lịch sử chúng ta. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều vụ việc bảo hộ công dân, bởi vì xu hướng người Việt Nam , công dân Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Việc bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam là một chính sách của Đảng, nhà nước chúng ta hết sức quan tâm. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trước tiên, công dân chúng ta ra nước ngoài phải tôn trọng luật pháp bên ngoài, tôn trọng các quy định, luật lệ, làm việc, học tập một cách hợp pháp. Và nếu nhỡ vi phạm thì Nhà nước có trách nhiệm, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo hộ công dân, để công dân của chúng ta được xét xử một cách công bằng và đúng pháp luật, không bị đối xử tàn tệ; khi công dân gặp khó khăn thì hỗ trợ người dân của chúng ta. Đó là những nhiệm vụ của công tác bảo hộ công dân.
"Chắc chắn khi các bạn ra nước ngoài, tin nhắn đầu tiên không phải của bố mẹ, vợ chồng mà là tin nhắn đầu tiên của Cục Lãnh sự, thông báo thông tin cho các bạn biết là khi gặp khó khăn sẽ liên lạc với số điện thoại nào, địa chỉ sẽ hỗ trợ cho công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, một điều chúng ta cũng cần nói là công dân Việt Nam ra nước ngoài cần đảm bảo tôn trọng luật pháp, luật lệ của các nước sở tại"- Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngày 31-1-2020 tại New York, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã chủ trì phiên họp tổng kết các hoạt động trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1 năm 2020, mở đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA 2020-2021 của Việt Nam. Phiên họp tổng kết thu hút hơn 100 đại diện quốc gia thành viên, quan sát viên LHQ tham dự, trong đó có 23 đại sứ, trưởng phái đoàn.
Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, HĐBA đã tổ chức 30 hoạt động chính thức, thông qua 13 quyết định. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của HĐBA trong nhiều năm gần đây.
Cuộc giơ tay biểu quyết đầu tiên tại một phiên họp của HĐBA LHQ do Việt Nam chủ trì - Ảnh: UN
Phát biểu tại phiên họp tổng kết, đại diện các nước cho rằng việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành thành viên HĐBA là thách thức rất lớn, chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đánh giá hai sự kiện về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và hợp tác UN-ASEAN là những dấu ấn quan trọng trong hoạt động của HĐBA. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của HĐBA cho các nước không phải thành viên HĐBA, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.
Bình luận (0)