Tất nhiên, thế giới không chỉ có Mỹ và Trung Quốc. Sự phát triển của một thế giới đa trung tâm với sự tham gia của nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước sẽ khiến cho cục diện thế giới diễn biến theo những cách thức hết sức khó lường; lợi ích đan xen, mâu thuẫn chồng chéo và việc ưu tiên lợi ích quốc gia sẽ quyết định tính chất của các mối quan hệ quốc tế.
Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: ttxvn
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm
Trên nền tảng chung đó, năm 2020, về kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, dẫn đến sự đình trệ của dòng thương mại và đầu tư toàn cầu, làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ vào khoảng 3,4%.
Về chính trị, an ninh, trong năm 2020, dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang có chiều hướng muốn từ bỏ vai trò "cảnh sát toàn cầu" nhưng tác động từ chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn tới thế giới, nhất là việc Mỹ rút ra khỏi hàng loạt tổ chức đa phương và ưu tiên các thỏa thuận song phương. Với chính sách "America First" (Nước Mỹ trên hết), ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ đàm phán cứng rắn với các đối tác để tối đa hóa lợi ích cho nước Mỹ, lấy lòng cử tri để giữ chiếc ghế trong phòng Bầu Dục của Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Điều này, cùng với việc cuộc cạnh tranh thế kỷ Mỹ - Trung nhằm chiếm lĩnh vị thế bá chủ sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khiến hệ thống chính trị - kinh tế thế giới trong buổi giao thời của trật tự đa trung tâm vốn thiếu tính ổn định lại càng trở nên mong manh, dễ đổ vỡ. Thế giới bị chia rẽ không chỉ bởi tình trạng chênh lệch phát triển tiếp tục gia tăng, bởi chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo cực đoan, bởi sự khác biệt về mô hình thể chế mà còn bị phân tách bởi sự đứt gãy của chuỗi sản xuất toàn cầu và hệ giá trị công nghệ.
Năm 2020, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm của địa - chính trị thế giới. Sự cạnh tranh giữa sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do Trung Quốc lãnh đạo với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) do Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đóng vai trò hạt nhân sẽ tiếp tục gia tăng. Sự co kéo của hai cực quyền lực lớn nhất thế giới hiện nay sẽ khiến cho tính thống nhất và đoàn kết trong ASEAN gặp rất nhiều thách thức. Vì thế, để duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh của khu vực, ASEAN sẽ phải xác định những giá trị cốt lõi và lợi ích chung để cùng nhìn về một hướng. Nếu không, khả năng ASEAN bị phân tách làm đôi theo đặc trưng tôn giáo và sự khác biệt trong nhận thức về những mối đe dọa an ninh trên biển Đông rất dễ xảy ra.
Như vậy có thể thấy, việc Mỹ từ bỏ vai trò "cảnh sát toàn cầu", cùng tham vọng của các cường quốc mới nổi..., dễ dẫn chúng ta có cảm nhận về một thế giới hỗn loạn. Trong khi thực tế là các tổ chức và định chế quốc tế mà chúng ta dựa vào đó để quản trị thế giới theo nguyên tắc chung, đã trở nên quá lạc hậu, không theo kịp với những diễn biến mau lẹ của xã hội toàn cầu trong thời đại công nghệ 4.0. Chính vì thế, nếu nhìn nhận một cách lạc quan thì sự cọ xát quyền lực và sự đổ vỡ của một vài mối quan hệ quốc tế là cần thiết để thế giới phải cùng nhau xây dựng một cơ chế quản trị mới, mà các nguyên tắc và luật lệ của nó có khả năng bảo vệ được lợi ích cho tất cả các thành viên. Sau đám mây đen sẽ luôn là ánh dương rạng rỡ, năm 2020 sẽ là năm tạo tiền đề cho bước phát triển mới của nhân loại trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc
Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hội nhập quốc tế của Việt Nam khi cùng lúc chúng ta đảm nhiệm hai trọng trách: Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Đây cũng là năm chẵn kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức của Việt Nam với Trung Quốc (18-1-1950), Việt Nam với Liên Xô trước đây (30-1-1950) và Việt Nam với Mỹ (11-7-1995). Trong "tam cường" này, Việt Nam có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Nga và Trung Quốc, còn với Mỹ là quan hệ hợp tác toàn diện. Với Việt Nam, đây là 3 mối quan hệ hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế, sức mạnh quốc phòng, độc lập và tính toàn vẹn về chủ quyền, quyền chủ quyền và không gian phát triển của đất nước. Ở chiều ngược lại, cả 3 thành viên thường trực HĐBA LHQ này đều rất coi trọng Việt Nam, đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Xét trên nền tảng mối quan hệ của Việt Nam với 3 cường quốc nói trên thì có thể thấy trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2019, trong khi mối quan hệ Việt - Nga, Việt - Mỹ phát triển hết sức tốt đẹp, đạt được sự tin cậy lẫn nhau; và hoàn toàn có cơ sở để tin rằng năm 2020 mối quan hệ Việt - Nga, Việt - Mỹ sẽ tiếp tục được nâng cấp và đi vào chiều sâu; thì mối quan hệ Việt - Trung lại không hoàn toàn êm đẹp như đáng lẽ phải có. Việc Trung Quốc vì nhu cầu phát triển của mình mà bất chấp luật pháp quốc tế và bằng chứng lịch sử để tước đoạt lợi ích kinh tế, ngăn chặn và chèn lấn không gian sinh tồn của Việt Nam chính là "vết đen" trong lịch sử bang giao giữa hai nước trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI. Song chúng tôi cũng tin rằng với sự sáng suốt của lãnh đạo cấp cao hai nước, với việc lãnh đạo hai nước đã nhiều lần cùng khẳng định sẽ giải quyết mọi bất đồng và khác biệt nhận thức một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của nhau, những vụ việc như Hải Dương 981 (5-2014) hay Hải Dương 8 (từ tháng 6 đến tháng 10-2019) sẽ không tái diễn trong năm 2020 và cả những năm tiếp theo, để nhân dân hai nước được thực sự sống trong tình hữu nghị.
Năm 2020, mối quan hệ Việt - Nga, Việt - Mỹ sẽ tiếp tục được nâng cấp và đi vào chiều sâu.
Bình luận (0)