Ngày 29-7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: Đức Tuân
Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai đế đề xuất sửa đổi ngay trong luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Đáng chú ý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương: bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.
Dự thảo luật bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai do thực hiện quy hoạch, dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã thể chế chủ trương "Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất" thông qua bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm xây dựng dự thảo luật là thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết khác của Đảng với 7 nhóm chính sách lớn. Luật phải quyết, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, "đưa thực tiễn đi vào luật".
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm", quy định chặt chẽ việc tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn che khả năng lao động, cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đê thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Tiếp thu ý kiến rộng rãi đối với các nhóm chính sách thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng đất đai
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp tháng 10-2022.
Về nội dung, Phó Thủ tướng nêu một số yêu cầu trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Đó là phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó, cần nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai, bao gồm phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan sớm tổ chức thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành song song các thủ tục cần thiết để đảm bảo tiến độ trình dự thảo luật.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo. Cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến rộng rãi đối với các nhóm chính sách đặc thù như thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng đất đai, lấn biển ... Đối với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, cần đưa ra các phương án kèm theo phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu để thảo luận.
Bình luận (0)