Ngày 12-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Về chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20-10-2022 và bế mạc vào ngày 18-11-2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến họp tập trung cả kỳ trong 22 ngày, trong đó dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp; 9,5 ngày cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 1 ngày cho phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, thông qua một số luật, nghị quyết và dự phòng 1 ngày.
Để bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu và khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình UBTVQH cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9-2022, tại phiên họp tháng 10-2022 chỉ cho ý kiến đối với những nội dung thật sự cần thiết.
Nhấn mạnh trọng tâm của kỳ họp thứ 4 tiếp theo là công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thành viên UBTVQH cho rằng đây là dự án Luật khó, rất quan trọng.
Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan thẩm tra và cơ quan trình tiếp tục phát huy tinh thần phối hợp, cùng nhau chuẩn bị từ sớm, từ xa để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án Luật trước khi trình ra Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh sửa Luật Đất đai là khó nhất, nhưng cũng được trông đợi nhất, cần huy động sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, các lực lượng khác trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, trao đổi làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến góp ý kỹ các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp 4.
"Thành công hay không thì phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhất là với dự án rất khó như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương hoàn thiện dự kiến bước đầu nội dung của Kỳ họp thứ 4 để thông báo sớm cho các cơ quan được biết và chuẩn bị.
Bình luận (0)