Một trong những sự kiện bên lề APEC Đà Nẵng 2017 thu hút sự quan tâm rộng rãi là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức hồi tháng 7 - Ảnh: Getty
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 7-11 cho biết tại cuộc họp báo vừa qua ở Nhật Bản về chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một viên chức chính quyền cao cấp của Chính phủ Mỹ đã trả lời câu hỏi của phóng viên về nội dung cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Cấp cao APEC sắp tới ở Việt Nam.
"Tổng thống nêu rõ trên chiếc Air Force One rằng ông mong gặp Tổng thống Putin bên lề APEC, một phần để đề nghị hợp tác đối phó với Bắc Triều Tiên. Ông có thể giải thích Tổng thống dự kiến bàn thảo về điều gì; vai trò của Tổng thống Putin và Nga là gì khi đương đầu với mối đe dọa Bắc Triều Tiên?"- phóng viên nêu câu hỏi.
Viên chức chính quyền cao cấp của Mỹ cho rằng Nga giáp với Bắc Triều Tiên và nước Nga cũng rất lo ngại với chiều hướng là Bắc Triều Tiên đang đưa khu vực đi vào cuộc khủng hoảng này (khủng hoảng hạt nhân - PV), và dĩ nhiên, Nga cần có vai trò trong tương lai. Nga có trách nhiệm với tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tất cả đều ủng hộ và tất nhiên bao gồm gia tăng đáng kể về lệnh trừng phạt đã được thông qua trong lá phiếu của nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào đầu năm nay.
"Và tôi chắc chắn rằng đây sẽ là chủ đề chính - hay đề tài đối thoại khi hai bên gặp nhau"- viên chức này khẳng định.
Trước câu hỏi về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa và liệu Trung Quốc liên quan đến điều này ra sao, nhiều người sẽ nói rằng về cơ bản, đây là chiến lược để kiềm chế phát triển tại Trung Quốc? viên chức này khẳng định không có sự kiềm chế ở đây.
"An ninh và thịnh vượng của chúng ta tùy thuộc vào việc Mỹ tiếp tục qua lại thương mại tự do trong khu vực này, bởi vì chúng ta là quốc gia Thái Bình Dương"- ông khẳng định.
Do đó, vấn đề Mỹ muốn đề cập là một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa một cách ổn định liên tục. "Chúng tôi muốn tái khẳng định cam kết tiếp tục ổn định của khu vực này, cho phép tự do hàng hải, cho phép thương trường và thị trường tự do thực sự để khu vực này trở nên thịnh vượng"- ông khẳng định và cho biết Mỹ đang xem xét cách thức để thể hiện và thực hiện cho đến cùng cam kết lâu năm này. Không phải ngẫu nhiên từ Thế chiến thứ II Mỹ có mặt tại khu vực này, có các liên minh lâu năm, hiệp ước an ninh với 5 quốc gia trong khu vực, và mối hợp tác an ninh và kinh tế chặt chẽ với những quốc gia khác.
"Chúng ta có mối quan hệ vững chắc và lớn mạnh với Ấn Độ. Chúng ta nói về Ấn Độ-Thái Bình Dương một phần bởi vị cụm từ này nói lên tầm quan trọng của việc phát triển của Ấn Độ. Nó giữ tầm quan trọng về khu vực tự do hàng hải để tiếp tục an ninh và thịnh vượng"- viên chức này khẳng định.
Tổng thống Donald Trump đang trong chuyến công du châu Á từ ngày 3 đến 14-11, với các điểm dừng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Tại Việt Nam, ông Trump sẽ dự APEC ở Đà Nẵng và thăm chính thức Hà Nội trong hai ngày 11 và 12-11
Bình luận (0)