Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị với sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các ban, bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 là dịp quan trọng để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đánh giá toàn diện, rút ra bài học từ thực tiễn triển khai công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới.
Dù tình hình thế giới và khu vực biến chuyển rất phức tạp, sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, duy trì phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
Đại biểu dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20
Điểm lại những thành tựu quan trọng, toàn diện của công tác đối ngoại thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ghi nhận sự đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Công tác biên giới lãnh thổ được thực hiện tốt, ngoại giao văn hóa ở các địa phương ngày càng được chú trọng. Bộ trưởng khẳng định có được những kết quả này là nhờ tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương; sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan ngoại vụ địa phương; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành ở trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong triển khai công tác đối ngoại.
Căn cứ định hướng phát triển đất nước, đường lối đối ngoại của Đảng đề ra tại Đại hội XIII, và chủ đề của Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận một số định hướng lớn. Đó là, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương; xác định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương; không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đối ngoại địa phương; và nâng cao năng lực của đối ngoại địa phương, trong đó then chốt là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá công tác ngoại vụ địa phương đã có những bước phát triển nhanh chóng, thay đổi cả về chất và lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn, tham mưu đắc lực cho lãnh đạo địa phương trong việc triển khai công tác đối ngoại tại địa bàn.
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc chủ động đổi mới nội dung, hình thức triển khai phù hợp đã giúp duy trì và nâng cao chất lượng giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở ra phương hướng hợp tác mới cho các địa phương Việt Nam. Các hoạt động hòa bình đoàn kết hữu nghị và phi chính phủ nước ngoài tại các địa phương được triển khai toàn diện, góp phần vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đóng góp vào phong trào tiến bộ của nhân dân các nước. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương cũng đã tham gia phản ánh những bất cập, hạn chế của thực trạng kinh tế vùng; hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng, tạo liên kết vùng chặt chẽ và hiệu quả hơn, thúc đẩy đầu tư vào các địa phương và phát triển doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm trưng bày sản phẩm thương hiệu Việt nhằm quảng bá các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đến các đại biểu trong và ngoài nước.
Trong buổi chiều cùng ngày, hoạt động "Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam" là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ các địa phương Việt Nam, đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
5 phương hướng để đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phương
Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Lê Thái, Chánh văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương, cho rằng các địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo hướng tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước theo tư duy chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Từ góc độ riêng của Ban Đối ngoại Trung ương, ông Bùi Lê Thái đã đề xuất 5 phương hướng để đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý, đề nghị các địa phương xây dựng lộ trình, xác định mục tiêu và có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới cần dựa trên sự đánh giá chính xác khả năng thực hiện, tránh tình trạng ký rồi để đấy, không triển khai, khiến đối tác cảm thấy “khó hiểu” và giảm dần lòng tin đối với ta.
Chú trọng triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, để cùng với ngoại giao chính quyền tạo thành ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương...
Bình luận (0)