xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồi ức không bao giờ phai

Hoài Hương

(NLĐO) - 55 năm sau vẫn như còn hừng hực khí thế ra trận của ngày ấy qua những ca khúc được sáng tác trong chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968. Những giai điệu tự hào đi cùng năm tháng như hồi ức không bao giờ phai.

Cố nhạc sĩ tài hoa Lưu Hữu Phước đã tiên đoán trước về một chiến thắng khi tháng 12-1967, ông sáng tác ca khúc hùng tráng "Tiến về Sài Gòn" , khi toàn quân toàn dân ngày đêm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. "Tiến về Sài Gòn" đã được thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời điểm đó, qua tiếng hát tươi rói, khỏe khoắn, đầy nội lực của nghệ sĩ Quang Hưng: "Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô...".

Ngay sau khi được tin cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu nổ ra tại miền Nam, cùng với các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác ngay ca khúc "Sài Gòn quật khởi" và hoàn thành ngay trong đêm đầu tiên: "Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn/ Khi con chim én báo mùa xuân về/ Tin vui chiến thắng bay từ quê nhà/ Sài Gòn ơi, ta đang bước trên đường chiến thắng…".

Sáng hôm sau, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã kịp thời dàn dựng đưa lên sóng phát thanh truyền khắp đất nước ca khúc này qua giọng hát của các ca sĩ Tuyết Nhung, Kim Oanh và dàn hợp xướng của đài. Giai điệu bài hát theo nhịp hành khúc hào hùng thể hiện khí thế tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân dân miền Nam, nhất là của quân dân Sài Gòn nhằm vào hang ổ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Ngay sau đó, ca khúc "Sài Gòn quật khởi" nhanh chóng phổ biến khắp mọi miền đất nước. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân ít lâu, Đoàn Ca múa Trung ương do nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, làm trưởng đoàn, đi biểu diễn ở nhiều nước như Pháp, Ý, Algérie, Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Mông Cổ... "Sài Gòn quật khởi" với phần trình bày của tốp ca nữ là một trong những tiết mục được khán giả nước ngoài nhiệt liệt tán thưởng, nhiều lần vỗ tay yêu cầu hát lại.

Sau khi nghe tin cả miền Nam cùng đồng loạt nổi dậy Tổng tiến công trong Tết Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Trọng Bằng xúc động sáng tác ngay ca khúc "Bão nổi lên rồi!" và hoàn thành chỉ sau một giờ đồng hồ. Buổi chiều cùng ngày, ông phối khí và trực tiếp chỉ huy dàn hợp xướng thanh niên trình bày ca khúc này trong phòng thu âm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ 7 giờ tối hôm đó, trên làn sóng của đài, ca khúc "Bão nổi lên rồi!" liên tục vang lên. Nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiên Đạo ở Paris vào thời điểm đó, đã ký âm bài "Bão nổi lên rồi!" qua Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó dàn dựng, chỉ huy hợp xướng hơn 200 Việt kiều biểu diễn nhiều lần tại Pháp.

Tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại chiến trường Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cùng một số anh chị em ở Đoàn văn công Giải phóng đến phục vụ ở xã An Lạc (nay thuộc huyện Bình Chánh), gần Bến xe miền Tây. Tận mắt chứng kiến nhiều gương dũng cảm tải đạn, cứu thương, dẫn đường cho Quân giải phóng của các cô gái Sài Gòn, xúc động trước hình ảnh anh hùng, hy sinh của các cô, Phạm Minh Tuấn sáng tác ca khúc "Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn", nhà thơ Lê Anh Xuân tham gia viết ca từ, chưa hoàn thành thì nhà thơ hy sinh ở Long An, Phạm Minh Tuấn viết tiếp phần ca từ còn lại.

Ca khúc nhanh chóng được gửi ra Hà Nội, được thu âm, và trong những sáng tác của các nhạc sĩ từ miền Nam gửi ra hồi ấy, "Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn" được quần chúng đặc biệt yêu thích vì nội dung phản ánh sinh động, nét nhạc tươi trẻ, lạc quan.

Thời điểm ấy, nhiều bài hát được sáng tác trong đợt Mậu Thân, gây "bão" ở khắp nơi, như "Đô thành nổi dậy" (Đỗ Nhuận), "Tiến lên chiến sĩ đồng bào" (thơ chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch, Huy Thục phổ nhạc), "Sài Gòn quật khởi" (Hồ Bắc), "Bão nổi lên rồi" (Trọng Bằng), "Chào anh giải phóng quân, Chào mùa Xuân đại thắng" (Hoàng Vân), "Sài Gòn tiến quân" (Nguyễn Đồng Nai), "Cô du kích Đà Nẵng" (Thanh Anh), "Tiến về thành Huế" (Trần Hoàn)...

Tối chủ nhật, 1/9/1968, chương trình Câu lạc bộ âm nhạc tại Hà Nội giới thiệu 3 ca khúc mới: "Tiếng đàn Ta lư" của Huy Thục, "Chiến thắng cầu chữ Y" của Ca Lê Thuần và "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" của Lư Nhất Vũ. Đặc biệt ca khúc "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" qua tiếng hát của ca sĩ Vũ Dậu "Chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang…", nhanh chóng trở thành ca khúc "hit" lúc bấy giờ…

Câu chuyện về ca khúc này cũng rất thú vị. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại: "Các chú, các má và anh chị trong Hội đồng hương Sài Gòn- Chợ Lớn (tại Hà Nội) mỗi lần gặp tôi đều thúc giục: Có bài hát về Mậu Thân ở Sài Gòn chưa? Mấy ông nhạc sĩ chưa hề biết về Sài Gòn, vậy mà bài hát của họ nghe đã quá!". Đó thật sự là một thách thức. Thời điểm sau đợt 1 cuộc tổng tiến công, Lư Nhất Vũ được điều động vào tổ công tác chi viện cho chiến trường B. Vì thế ông phải thường xuyên lên miền núi tuyển chọn diễn viên về bổ sung cho Đoàn ca múa Tây Nguyên, đồng thời cùng các đồng đội gấp rút làm đề án củng cố Đoàn văn công Sư đoàn 330 tập kết.

Nhưng một sáng tác để nói về Mậu Thân thì đúng là ông cần phải có, phải làm nhưng làm như thế nào? Thời điểm ấy, đã có quá nhiều sáng tác nổi bật nói về Mậu Thân, biết "lẩy" ý nào? Tình cờ đọc báo thấy nói về các cô gái Sài Gòn thuộc nhiều thành phần (học sinh, sinh viên, thợ thuyền, buôn gánh bán bưng...) hăng hái thoát ly gia đình, vào chiến khu tham gia Đoàn Thanh niên Xung phong hỏa tuyến... Những tiểu thư vai yếu chân mềm không ngại hy sinh, gian khổ, băng qua mưa bom bão đạn để tải từng viên đạn cho pháo binh... Và thế là ý tưởng về "Đội nữ tải đạn Sài Gòn" hình thành"….

Để phổ biến kịp thời, Ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam định thu thanh do tốp nữ của đài với phần đệm của đàn accordeon. Nhạc sĩ Triều Dâng thì đề nghị đưa bài hát này cho tốp nữ của Đoàn ca múa Trung ương với dàn nhạc dân tộc nhưng thời điểm ấy thì đành phải chờ vì đoàn này đang lưu diễn ở Nhật. Đến cuối tháng 8-1968, "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" mới được thu thanh. Nhạc sĩ Nguyễn Chính viết phần đệm và ca sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng. Sau khi phát sóng, chỉ một thời gian ngắn, "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" đã "bay" đi khắp nơi. Rất nhiều thư yêu cầu của thính giả tới tấp gửi về Đài, yêu cầu được nghe lại trong chương trình "Ca nhạc theo yêu cầu thính giả". Rồi nhiều đoàn văn công đã đưa bài hát lên sân khấu trình diễn, đều dưới hình thức tốp ca nữ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể lại trong cuốn sách "Nhạc và Đời" (nhiều nhạc sĩ, xuất bản 1989) rằng "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" là một món quà cho quê hương miền Nam, mang theo tình thương yêu của người thân, ký ức sâu sắc của quê nhà và sự mong mỏi đợi chờ, niềm tin yêu hò hẹn. Tháng 4/1970 ông từ Ga Hàng Cỏ rời miền Bắc vào Nam chiến đấu. Ông viết "Mười lăm năm sau có người lính trở về với trái tim của một nhạc sĩ nồng nhiệt và đầy hứa hẹn. Tôi không thể rước về một cô dâu đất Thăng Long, mà chỉ mang theo một "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn". Cô gái này dẫu sinh ra từ Hà Nội song vẫn mang dòng máu bắt nguồn từ điệu hát quê hương cùng hơi thở của mùa Xuân năm 1968".

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, bất khuất, với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, TP Hồ Chí Minh, chiến công của các lực lượng vũ trang thành phố sẽ sống mãi và là hành trang của thế hệ trẻ TP Hồ Chí Minh. Và những ca khúc về Mậu Thân năm ấy mãi là giai điệu tự hào đi cùng năm tháng./.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo