Sáng 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM.
Đoàn công tác của Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía TP HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ...
Thủ tướng cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TP HCM sáng nay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu định hướng buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lần nữa vai trò, tầm quan trọng của TP HCM trên các lĩnh vực.
Thủ tướng cho biết buổi làm việc này sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I của TP HCM, qua đó cùng tìm các giải pháp, nhiệm vụ sát tình hình thành phố, làm sao khắc phục được hậu quả của đại dịch COVID-19.
Điểm qua những khó khăn, biến động của tình hình thế giới, Thủ tướng nhìn nhận chúng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.
Ngoài ra, sự cạnh trạnh của các nước lớn ngày càng gay gắt, nhất là ở lĩnh vực nguyên vật liệu như xăng dầu, tác động đầu vào sản xuất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nội tại của nền kinh tế trong nước đã có những khó khăn, vướng mắc. Sau đại dịch, những vấn đề này càng bộc lộ rõ hơn.
Buổi làm việc nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, buổi làm việc cùng bàn, đưa ra giải pháp khắc phục. "Với tình hình như thế, chúng ta có nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để phù hợp, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả" - Thủ tướng định hướng.
Cho biết từ đầu năm Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của nền kinh tế, Thủ tướng đặt vấn đề những chính sách này sau hơn 3 tháng ban hành đã tác động đến TP HCM như thế nào, đã vào được thành phố hay chưa. Điển hình như chính sách tháo gỡ các vướng mắc về trang thiết bị, vật tư ngành y tế đã đi thẳng vào cuộc sống chưa?
Thủ tướng đề nghị các đại biểu suy ngẫm, thảo luận để tìm giải pháp tốt nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một đầu việc khác cũng được Thủ tướng định hướng thảo luận tại buổi làm việc là sự phối hợp giữa TP HCM với Chính phủ, với các bộ, ngành Trung ương. "Chỗ này cần rút kinh nghiệm gì, điều chỉnh gì để làm tốt hơn" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh thời gian có hạn nhưng yêu cầu cao, công việc nhiều. Do đó, các đại biểu suy ngẫm, thảo luận để tìm giải pháp tốt nhất để cùng TP HCM làm tốt hơn trong thời gian tới.
"TP HCM là đầu tàu về GDP, ngân sách cũng như nhiều lĩnh vực, kể cả những tác động vô hình. Nếu TP HCM phát triển tốt thì tác động lan tỏa cả nước, thúc đẩy cả nước phát triển. Ngược lại, TP HCM khó khăn thì cả nước cũng khó khăn" - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu lần nữa các đại biểu cùng thảo luận theo phương châm tìm nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để phù hợp, chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên chiều 15-4; Ảnh Hoàng Triều
Trước đó, chiều 15-4, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng dẫn đầu đã có mặt tại TP HCM.
Đoàn công tác đã có buổi khảo sát, đi thử nghiệm đoàn tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ ga Rạch Chiếc đến ga Bến xe Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP HCM).
Thủ tướng đi trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên chiều 15-4; Ảnh Hoàng Triều
Tại buổi đi thử nghiệm metro, Thủ tướng bày tỏ sự hài lòng và đề nghị chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại, cố gắng hoàn tất công trình vào dịp lễ 2-9 năm nay.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng đến thăm dự án tuyến đường sắt đô thị số 1. Tháng 7-2022, Thủ tướng đã có chuyến thị sát nhà ga trung tâm Bến Thành và ga Ba Son. Đoàn công tác của Thủ tướng cũng đến thị sát công trường xây dựng nút giao An Phú ở TP Thủ Đức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, TP HCM cắt băng khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP HCM - cơ sở 2; Ảnh: Hải Yến
Cũng trong chiều 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP HCM - cơ sở 2.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy Bệnh viện Ung bướu TP HCM - cơ sở 2 không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y - bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản mà còn có hệ thống trang thiết bị hiện đại, không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp. Điều này giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM - cơ sở 2 không chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân thành phố mà còn là nơi điều trị của nhiều bệnh nhân trên cả nước.
TP HCM sẽ kiến nghị nhiều vấn đề
Buổi làm việc sáng 16-4 nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của thành phố rất thấp, chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, gây bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn chính quyền thành phố dù đã được dự báo tình hình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bênh cạnh đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm.
Tại TP HCM, 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%) và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ. Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp khi chỉ đạt 4%; tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu…
Tại buổi làm việc, TP HCM sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng loạt vấn đề để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của thành phố.
Bình luận (0)