Đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, có tính đến việc ùn tắc giao thông hay không, ví dụ như dự án Sài Gòn Center ở giao lộ giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi (quận 1), thường xuyên xảy tình trạng kẹt xe.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu đặt vấn đề về mối quan hệ giữa việc cấp phép xây dựng nhà cao tốc và khả năng kẹt xe ở nội đô
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, vấn đề cấp phép xây dựng và nhà cao tầng đối với các dự án nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại đều được các cơ quan chức năng thẩm định kỹ thuật, phù hợp với quy hoạch thì mới được cấp phép. Các dự án này cũng được các sở xem xét và trình UBND, nếu phù hợp quy hoạch đã phê duyệt. Cơ quan cấp phép cho tòa nhà đó phải đồng bộ với các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, ví dụ như đường ở đó được mở rộng bao nhiêu, cấp thoát nước đầu tư thế nào cho đồng bộ với những tòa nhà được cấp phép.
Ông Tuấn nhận định hiện nay bất cập là các dự án cao tầng lại đi trước các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật như chưa mở đường, chưa có hệ thống kỹ thuật. Bên cạnh đó, các tòa nhà này thường nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho việc hoàn thiện hạ tầng. Lãnh đạo TP đã thấy vấn đề này, sở đã có báo cáo hướng khắc phục sắp tới là phải đảm bảo sự kết nối hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến kỳ họp giữa năm 2017, UBND sẽ có tờ trình HĐND có nội dung về vấn đề này.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu HĐND sáng 8-12
Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, câu hỏi của bà vẫn chưa được giám đốc sở trả lời vào trọng tâm. Đối với thanh tra xây dựng, chưa thấy đặt ra quy trình xử lý cán bộ nhũng nhiễu khiến dân bức xúc hoặc quy trình xử lý kéo dài. "Xây dựng nhà cao tầng thì lý thuyết là vậy, phù hợp quy hoạch nhưng hiện tại là kẹt xe mỗi ngày, là vấn nạn đối với TP. Những trung tâm thương mại gần nhau gây kẹt xe vào giờ cao điểm thì Sở Xây dựng tham mưu thế nào để giải quyết ùn tắc từ các công trình mới chứ chưa nói đến công trình cũ" - bà Châu chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thị Tố trâm chất vấn Giám đốc Sở Y tế về quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài
Sang phần chất vấn giám đốc Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu vấn đề thời gian qua, hàng chục phòng khám sử dụng bác sĩ Trung Quốc lừa bệnh nhân, vẽ bệnh để lấy nhiều tiền mà điều trị không khỏi, thậm chí gây biến chứng (ví dụ: phòng khám Thế Giới (quận 5), phòng khám 3 tháng 2 (quận 11), phòng khám Đại Đông (quận Tân Bình)…). Người dân kêu cứu, báo chí cũng có đã phản ánh nhiều lần . Vấn đề này Sở Y tế có biết, việc quản lý những phòng khám này ra sao cùng biện pháp để chấn chỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời chất vấn của đại biểu HĐND sáng 8-12
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân rất phức tạp, hiện nay ngành y tế cấp phép cho 40.000 trường hợp hành nghề y tế, cấp phép cho 200 phòng khám đa khoa và 4.500 phòng khám tư nhân. Những trường hợp liên doanh liên kết tại TP được quản lý rất chặt chẽ. Tình trạng phòng khám Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm rồi và hằng năm thanh tra Sở Y tế đều kiểm tra, tái kiểm 1-2 lần, thậm chí là 3- 4 lần.
Theo ông Bỉnh, hiện nay quảng cáo về các phòng khám tư nhân rất nhiều. Trong khi người dân dễ tin vào quảng cáo và đi điều trị dù chi phí cao. Sở cũng phối hợp với cơ quan báo chí để tiếp nhận và xử lý các trường hợp sai phạm, lừa gạt người bệnh. Tuy nhiên, có trường hợp khi cơ quan chức năng đến nơi thì mọi việc đã xong, hồ sơ bệnh án cũng không còn. Vừa qua, có phụ nữ bị bệnh phụ khoa cũng bị mắc lừa nhưng khi thanh tra vào cuộc thì bệnh nhân “rút lại”. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận việc quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập.
“Hiện nay, nếu kiểm tra mà không có giấy phép hành nghề thì phạt nặng. Nếu rút giấy phép thì họ cũng quay trở lại. Có phòng khám bị phạt 900 triệu đồng, họ đóng rồi bỏ chỗ cũ, chuyển sang địa chỉ khác”- ông Bỉnh thông tin và cho rằng dù có nhiều bất cập nhưng kiểu gì ngành y tế cũng phải quản lý tốt.
Bình luận (0)