xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đặt vấn đề thẳng thắn, trả lời trách nhiệm

Trường Hoàng - Thùy Dương

Các đại biểu đã lo ngại về hàng loạt vấn đề và các cơ quan có trách nhiệm cũng đưa giải pháp để cùng nhau bàn bạc

Tiếp tục chương trình làm việc, kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa XI, ngày 7-12, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề xung quanh tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. HĐND TP Hà Nội đã dành cả ngày 7-12 để chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề nóng của địa phương.

TP HCM: Làm sao thu gần 1.000 tỉ đồng/ngày?

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Phan Nguyễn Như Khuê cho biết với dự toán ngân sách được giao là gần 348.000 tỉ đồng, mỗi ngày TP phải thu gần 1.000 tỉ đồng, vậy giải pháp cụ thể nào? Để hoàn thành nhiệm vụ thu, TP có quyết liệt hơn trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi của các cơ quan trung ương cũng như địa phương khác trên địa bàn, tạo nguồn thu phục vụ việc phát triển chứ không chỉ thu hồi đất của dân?

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng các đại biểu rất muốn nghe thêm các giải pháp để TP đạt được mục tiêu thu ngân sách, tăng trưởng đã đề ra.


Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trườngẢnh: HOÀNG triều

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trườngẢnh: HOÀNG triều

Cũng quan tâm đến vấn đề thu chi ngân sách, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đề nghị TP phải giảm chi và tăng nguồn thu hơn nữa. Bà dẫn chứng việc trợ giá cho xe buýt mất ngân sách lớn nhưng không đem lại nguồn thu, không tạo được động lực cho các đơn vị kinh doanh. Sở Giao thông Vận tải nên có cách tính trợ giá trên kết quả đầu ra, tức là hỗ trợ cho người đi xe buýt. “Về lâu dài, TP phải tập trung vào nguồn thu bền vững là các doanh nghiệp; có các giải pháp tập trung cho khởi nghiệp, phát triển các doanh nghiệp của TP, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước” - bà Thúy đề nghị.

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng các đại biểu băn khoăn về nhiệm vụ thu ngân sách là đúng vì tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP giảm từ 23% còn 18%. Trước thực tế này, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND TP nhiều giải pháp để tăng thu ngân sách. Trong đó, TP sẽ thu một số phí, lệ phí mà trước đây chưa quyết mức thu. Bên cạnh đó, TP sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, cố gắng giải ngân các khoản vay ưu đãi, khai thác từ nguồn thu quảng cáo trên hơn 2.000 xe buýt, trên các tuyến đường; đồng thời rà soát quỹ nhà đất bán đấu giá để tạo nguồn thu, làm nguồn quỹ đất cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

“Đặc biệt, TP sẽ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 100%. Theo quy định, khoản này sẽ phải nộp về trung ương nhưng mới đây, Thủ tướng đã đồng ý cho TP HCM làm đề án xem xét giữ nguồn vốn này và UBND TP đã gửi đề án cho Chính phủ” - bà Thắng thông tin.

Hà Nội: Không tha những cán bộ lơ là

Mở đầu phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết kết quả xử lý sai phạm với những người có trách nhiệm trực tiếp liên quan đến vụ cháy khiến 13 người chết tại số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy). Ông Nam cũng yêu cầu cho biết trong 1.270 cơ sở karaoke của TP, đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận đủ điều kiện và thu được bao nhiêu giấy chứng nhận không đủ điều kiện của cơ sở vi phạm?

Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, cho biết trong năm 2016, đã thu hồi 50 giấy phép kinh doanh, phạt 367 triệu đồng. Với quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), theo ông Khương, lực lượng công an phường, quận đã kiểm tra, nhắc nhở, lập biên ban yêu cầu không được hoạt động nhưng cơ sở này vẫn lén lút hoạt động. “Sau khi xảy ra sự cố, Công an TP đã làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân” - Thiếu tướng Khương nhấn mạnh.

Tranh luận lại, đại biểu Nam thẳng thắn: “Kinh doanh karaoke thì không thể lén lút được. Các đồng chí cho biết chỉ thu 50 giấy phép thì Công an TP làm chưa hết trách nhiệm. Nếu mai đây mà xảy ra cháy thì lại ngồi kiểm điểm trách nhiệm!”.

Với nhóm câu hỏi liên quan đến tình trạng biển quảng cáo lớn vi phạm kích thước gây khó khăn trong công tác PCCC, cứu người, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng lĩnh vực quảng cáo liên quan nhiều sở, ngành. Chủ tịch TP đã phân cấp cho huyện, ngành; sở cũng đã hướng dẫn nghiêm túc. Chưa thỏa mãn với phần trả lời, ông Nam tiếp tục hỏi: “Tôi chưa thấy trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao trong việc xử lý kỷ luật sau việc này. Vừa qua, sở đã bao nhiêu lần chuyển hồ sơ vi phạm cho công an để thấy trách nhiệm phối hợp?”. Ông Tô Văn Động cho hay đã báo cáo Thường trực Thành ủy. Nhiều năm trước, ngành này đã thành lập đội thanh tra liên ngành và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, đại biểu Đoàn Viết Cường ví tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội nhiều năm nay là “căn bệnh khó chữa” và tăng cao qua từng năm. “Riêng đối với các vi phạm tại dự án công trình cao tầng, TP có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới? Ngoài xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư thì các bên liên quan có liên đới gì không?” - ông Cường hỏi.

Trả lời các câu hỏi, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết nguyên nhân là do người dân cố tình vi phạm, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư còn cố tình che chắn mặt ngoài và tiến hành xây dựng vi phạm ở bên trong..., dẫn đến khó kiểm soát. Bên cạnh đó, có tình trạng lực lượng thanh tra xây dựng phát hiện vi phạm nhưng chậm báo cáo, thậm chí không báo cáo hoặc không kiên quyết xử lý ngay từ những viên gạch đầu tiên của công trình. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đang có tình trạng song trùng chỉ đạo”…

Về giải pháp, theo ông Dục, các cơ quan chức năng đã tham mưu với TP ban hành quyết định liên quan đến đội ngũ thanh tra xây dựng. Cụ thể, bàn giao hơn 1.500 thanh tra về các quận, huyện, thị xã để thực hiện tốt và chặt chẽ hơn nhiệm vụ theo đúng chức năng. Bên cạnh đó, UBND TP cũng kiên quyết không để phát sinh các công trình vi phạm mới.

Bầu bổ sung 2 Ủy viên UBND TP HCM

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 3 của HĐND TP HCM khóa IX đã bầu bổ sung ông Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch, vào chức danh Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước đó, HĐND TP biểu quyết miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND TP đối với ông Phan Nguyễn Như Khuê (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao) và bà Văn Thị Bạch Tuyết (nguyên Giám đốc Sở Du lịch). Cả 2 người hiện là phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM. T.Hoàng

Đà Nẵng lo ngại tội phạm gia tăng

Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng ngày 7-12 bước vào phiên thảo luận và chất vấn xoay quanh vấn đề về tình trạng an ninh trật tự. Các đại biểu lo ngại tội phạm gia tăng và đề nghị người đứng đầu ngành công an phải có giải pháp để đẩy lùi tệ nạn trong thời gian tới.

Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, thừa nhận năm 2016, tội phạm gia tăng, đặc biệt là giết người do nguyên nhân xã hội. Theo ông Tam, đối với tội phạm về ma túy, do lợi nhuận cao nên dù xử phạt nghiêm nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ. Giám đốc Công an TP Đà Nẵng hứa trong thời gian tới sẽ đưa ra nhiều biện pháp mạnh, cố gắng hết sức để đấu tranh phòng chống tội phạm, làm cho người dân tin tưởng.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - đặt vấn đề có hay không một bộ phận công an liên hệ với băng nhóm tội phạm. Ông Xuân Anh nhắc nhở mỗi chiến sĩ công an phải nâng cao quyết tâm, không được sa ngã trước tội phạm. Đồng thời, ngành công an cần tập trung đẩy lùi tội phạm để TP Đà Nẵng không là đất sống của tội phạm, đặc biệt là về ma túy.

Cùng ngày, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, các đại biểu tập trung thảo luận các đề án, dự thảo nghị quyết do đại diện UBND tỉnh trình bày. Trong đó, đáng chú ý có dự thảo nghị quyết về một số cơ chế đặc thù đối với TP Tam Kỳ, TP Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành đến năm 2020.

Trong ngày 7-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh này có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua đề án công nhận thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là 2 thị xã giáp với TP HCM, thu hút rất nhiều nhà máy, có mật độ dân số khá đông, hạ tầng tương đối phát triển… nên đã đạt mức điểm đô thị loại III theo tiêu chí được quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp HĐND này, UBND tỉnh Bình Dương đã có tờ trình về phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn.

B.Vân - Tr.Thường - N.Phú

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo