Sáng nay 12-9, phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề "Các ưu tiên của Đông Nam Á trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Tham dự lễ Khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018 có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Chủ tịch ASEAN năm 2018), Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong. Hội nghị cũng thu hút sự tham dự của khoảng 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, giới học giả và truyền thống quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Ảnh: Các đại biểu tại phiên toàn thể diễn đàn mở - Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp
Cách mạng 4.0 sẽ "định nghĩa" lại thành công
Phát biểu mở đầu, Chủ tịch sáng lập WEF - Klaus Schwab nhấn mạnh thế giới đang vào cuộc đua làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh này càng tăng cùng sự phát triển của cuộc cách mạng này.
Chủ tịch WEF đề cập tới 2 thách thức thế giới đang đối diện. Một là, thế giới đang dịch chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ thế giới đơn phương sang đa phương. Dù nhiều quan điểm khác biệt song với mối quan tâm chung, Chủ tịch WEF tin tưởng sự đồng thuận cao trong nội khối ASEAN sẽ giúp khu vực vượt qua được thách thức này.
Hai là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi kinh doanh, nền kinh tế, năng lực cạnh tranh toàn cầu. "20 năm tới sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Các quốc gia thành công từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ được "định nghĩa" lại bởi hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp"- ông nói.
Để thành công trong cuộc cách mạng này, đòi hỏi các chính phủ ASEAn tạo ra các điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. Cuộc cách mạng này sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. "Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này"- ông nói.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về điều phối chiến lược làm Đặc phái viên đọc thông điệp của Tổng thư ký LHQ gửi đến Hội nghị. Đây là một cử chỉ rất đặc biệt, lần đầu tiên có tại Hội nghị WEF ASEAN năm nay.
Nhiều sáng kiến của Việt Nam
Đánh giá về cơ hội, thách thức của CMCN 4.0 đối với các nước ASEAN trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bên cạnh thách thức về giải quyết việc làm, gia tăng bất bình đẳng thu nhập, các nước ASEAN có cơ hội rất lớn trong CMCN 4.0 như tạo đột phá về năng suất trong một số ngành công nghiệp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn hướng tới Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của LHQ trên cơ sở kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới, đi tắt trong chính sách công nghiệp hóa bằng cách mạnh dạn phát triển và ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác để thúc đẩy ASEAN tranh thủ tốt cơ hội của CMCN nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025.
Thủ tướng cho biết, tại hội nghị này thông qua cấp bộ trưởng, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động 1 giá cước toàn ASEAN. Nhắc đến thông tin doanh nghiệp Go-Jerk của Indonesia và Go-Viet sẽ khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào chiều 12-9 với sự tham dự của Tổng thống Indonesia, Thủ tướng cho rằng, điều đó hứa hẹn sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp trong tương lai.
Về kết nối và chia sẻ dữ liệu, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN tăng cường "kết nối số" trong tổng thể kết nối ASEAN, trong đó chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử… Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến về xây dựng các Quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm tạo khuôn khổ cho chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu.
Về môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối ở phạm vi khu vực đối với các hạ tầng nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng Cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh nhằm hài hòa hóa pháp luật, quy định giữa các thành viên ASEAN để các doanh nghiệp ASEAN phát huy được lợi thế hiệu quả nhờ quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Thủ tướng cũng cho biết tại Hội nghị WEF ASEAN, ở cấp Bộ trưởng và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về Hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…
Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đề nghị xây dựng Khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia vào mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực; xây dựng Chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN; hình thành Kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
Trong bối cảnh lan tỏa của CMCN 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu đang biến chuyển phức tạp, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN cùng các đối tác trong và ngoài khu vực xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường, dựa trên luật lệ, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực, cùng các đối tác duy trì hòa bình và ổn định và phát triển khu vực thịnh vượng.
Chào đón Chủ tịch sáng lập WEF ASEAN Klaus Schwab tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp
Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nghị WEF ASEAN năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến 13-9.
Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên 4.0, Hội nghị WEF ASEAN 2018 có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, đây sẽ là nơi hội tụ của 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN. Trong đó, phần lớn là các start-up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông.Các đại biểu sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, tập trung 5 nội dung chính: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm các động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
Một số hình ảnh:
Chủ tịch WEF Borge Brende phát biểu khai mạc
Chủ tịch sáng lập WEF ASEAN Klaus Schwab phát biểu - Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp
Thủ tướng Singapore phát biểu
Ông Fabrizio Hochschild, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Điều phối Chiến lược, đọc thư của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bình luận (0)