Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã cung cấp thông tin chính thống và giải đáp thắc mắc của người dân trực tiếp, cụ thể, chi tiết về nội dung tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từ ngày 1-10, cũng như chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đối thoại trực tiếp với người dân lúc 20 giờ tối nay
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên trang mạng xã hội Facebook (fanpage) (https://www.facebook.com/trungtambaochi.tphcm/) và kênh Youtube https://www.youtube.com/channel/UCb_F5bZNP2Jkx8LFPAm6UHg của Trung tâm Báo chí TP HCM.
Ngoài ra, chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) sẽ được truyền dẫn qua các kênh:
Fanpage Cờ Đỏ TP HCM (https://m.facebook.com/codotphcm/); Fanpage Thành Đoàn TP HCM (https://www.facebook.com/thanhdoanthanhphohochiminh/); Website, fanpage và youtube của Báo Sài Gòn Giải Phóng; Fanpage Nghệ sĩ Quyền Linh (https://www.facebook.com/mquyenlinh); Fanpage Yeah1 TV (https://www.facebook.com/yeah1tv); Fanpage của một số báo, đài trên địa bàn TP HCM...
UBND TP HCM ban hành Chỉ thị 18
Mở đầu buổi livestream, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết lựa chọn nới lỏng hay giãn cách tiếp là nỗi băn khoăn, trăn trở và suy nghĩ rất nhiều của lãnh đạo TP.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM đã trải qua 4 tháng giãn cách xã hội. "Đây là cuộc chiến mà người dân và chính quyền dốc toàn lực để chống đại dịch" – Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Ông Võ Văn Hoan cho biết trong giai đoạn này, TP HCM đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương về tinh thần lẫn vật chất và con người, như lực lượng y - bác sĩ, máy móc, thiết bị y tế. Hơn hết, đó là sự chung sức, đồng lòng, đồng thuận của người dân và chính quyền thành phố, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nhất.
"Nếu không có sự góp sức của người dân và doanh nghiệp, thành phố sẽ khó có thể đạt được những kết quả như thời gian qua. Thành phố đang đứng trước sự lựa chọn phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Đây là 2 mặt trận mà thành phố phải đối mặt" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Nói rõ hơn, ông Võ Văn Hoan cho rằng cả 2 mặt trận này quan trọng, có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau. Khi TP HCM chống dịch có hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu tử vong sẽ tạo ra nguồn lực tác động sự phát triển nền kinh tế. "Để làm được điều đó, TP HCM phải thực hiện một chỉ thị mới. Chỉ thị 18 được ban hành ra để thực hiện việc này" – Phó Chủ tịch UBND TP HCM thông tin.
Trước câu "mở ra rồi có đóng lại không?", Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết khó có thể nói trước được mà phục thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhiều nước "mở rồi phải đóng lại" vì dịch tái phát. Theo ông Võ Văn Hoan, để không xảy ra tình trạng nới lỏng được một thời gian ngắn mà phải đóng cửa trở lại, TP HCM cố gắng mở cửa từng bước, "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn"; thành phố đi từng bước vững chắc, chặt chẽ.
Trước câu hỏi của người dân về việc lưu thông từ ngày 1-10, ông Võ Văn Hoan cho hay người dân có thể đi lại bình thường trong phạm vi TP HCM nhưng không được tự ý ra khỏi TP. Khi tham gia lưu thông, người dân cần chuẩn bị mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động). Người dân là F0 đã khỏi bệnh cũng đủ điều kiện lưu thông.
Theo ông Võ Văn Hoan, sau ngày 30-9, TP HCM sẽ không còn kiểm soát lưu thông bằng chốt chặn cố định như trước. Song, Công an TP HCM vẫn duy trì chốt lưu động để kiểm tra, giám sát và tuần tra nhằm đảm bảo an toàn cũng như hạn chế việc ra đường không cần thiết. "Nếu khi kiểm tra, người nào ra đường không có lý do chính đáng thì vẫn bị xử lý theo quy định" - ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Phối hợp đưa lao động trở lại TP HCM làm việc
Tiếp tục đặt câu hỏi cho Phó Chủ tịch UBND TP HCM, MC Quyền Linh hỏi nhiều người dân mong muốn được về quê vì không thể cầm cự được nữa thì có được không? Ông Võ Văn Hoan cho biết lãnh đạo TP HCM rất chia sẻ mong muốn này của người dân.
“Nói không cho về không được, nhưng phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng và phối hợp với các địa phương” – ông Võ Văn Hoan cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, người về quê có nguy cơ gây ra dịch bệnh tại địa phương và có thể gây quá tải hệ thống y tế địa phương. Nếu họ nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng khó khăn. Hơn nữa, TP HCM đang rất cần người lao động khi dần "mở cửa" nên rất khuyến khích người dân ở lại. Ở lại, tham gia làm việc sẽ giúp người dân có thu nhập, rồi đến Tết về cũng thuận lợi. Tuy nhiên, có những trường hợp nên xem xét, hỗ trợ để được về quê như người già lên thăm con, trẻ em đến TP HCM nghỉ hè cần quê về, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ vắc-xin…
Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM sẽ kiến nghị Trung ương cho những đối tượng trên được về quê. TP HCM và các tỉnh sẽ phối hợp đưa người dân về. Ví dụ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, F0 khỏi bệnh, người tiêm đủ liều vaccine...
“Với những trường hợp này, nếu thật sự bức bách thì có thể xem xét giải quyết từng trường hợp. TP HCM chưa xác định được số lượng nhưng cụ thể 1-2 trường hợp bức bách thì có thể xem xét phối hợp xử lý ngay. Còn các trường hợp khác sẽ phải đăng ký, tổng hợp danh sách, phối hợp để cách ly, xem xét năng lực chịu đựng của địa phương và đưa người dân về” – ông lưu ý.
Thời gian qua, TP HCM đã tổ chức đưa gần 35.000 trường hợp về các tỉnh, thành bằng máy bay, tàu lửa… Quan trọng là các hội đoàn quy tụ được, phối hợp với nhau thì rất dễ.
Đối với việc các lao động muốn quay trở lại TP HCM làm việc mà nhiều người dân thắc mắc, ông Võ Văn Hoan cho hay các doanh nghiệp ở TP HCM sẽ thông tin để người lao động biết. Trên nền tảng đó, doanh nghiệp cùng chính quyền TP HCM sẽ tổ chức xe đưa đón họ.
Cố gắng chi gói hỗ trợ thứ 3 trong vòng 15 ngày
Một vấn đề khác cũng được rất nhiều người dân thắc mắc, đặt câu hỏi đến Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan. “Nhiều người dân phản ánh chưa nhận được tiền các gói hỗ trợ” - MC Quyền Linh chuyển lời đến Phó Chủ tịch UBND TP HCM.
Ông Võ Văn Hoan cho biết giãn cách kéo dài nên người dân càng khó khăn, phát sinh thêm nhiều đối tượng cần hỗ trợ mới. Gói hỗ trợ lần thứ 3 ra đời từ thực tế đó. Trong gói hỗ trợ thứ 3, TP HCM sẽ rà soát và hỗ trợ các trường hợp này.
Theo ông Võ Văn Hoan, khối lượng công việc của gói hỗ trợ đợt 3 gấp 2,5 lần 2 gói trước. Thống kê ban đầu cho thấy có khoảng 7,3 triệu người cần hỗ trợ nhưng con số này có thể hơn. Để đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp nhưng vẫn trọn vẹn, TP HCM đã có chỉ đạo bài bản và kỹ lưỡng. Toàn bộ danh sách đã được rà soát trước. Từng địa phương tiếp tục rà soát từng khu phố, tổ dân phố, thành lập nhóm rà soát, có hội đồng xét duyệt cơ sở và tiếp tục được xét duyệt lại bởi hội đồng cấp quận. Sau đó, danh sách sẽ được chuyển lên App An sinh để chi trả. Qua App An sinh, TP HCM có thể trực tiếp theo dõi tiến độ cấp hỗ trợ của từng tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện.
Ông Võ Văn Hoan thông tin dự kiến sẽ chi trả gói hỗ trợ lần thứ 3 trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15-10). Quan điểm của TP HCM là càng nhanh càng tốt vì bà con đang khó khăn. Nguồn tiền hiện đã sẵn sàng, danh sách được duyệt là chi hỗ trợ ngay cho người dân. Đối với những trường hợp còn thiếu, chưa có trong danh sách đã duyệt thì thành phố hướng dẫn chính quyền địa phương có danh sách riêng để ai thiếu thì xem xét để cập nhật.
Trước đó, tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP sáng 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sau ngày 30-9, TP HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
TP HCM bỏ giấy đi đường, người dân có thể đi lại nhưng không được tự ý ra khỏi thành phố. Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
TP HCM cũng dở bỏ các chốt nội đô nhưng vẫn tiếp tục duy trì 51 chốt, gồm 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh với các tỉnh để kiểm soát ra vào của thành phố. Các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất dịch vụ, sinh hoạt xã hội cũng được hoạt động trở lại.
Bình luận (0)