Ngày 17-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP HCM Nguyễn Trần Phượng Trân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Kết quả triển khai và một số giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam trong quá khứ và hiện nay; giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; vai trò, vị trí, giá trị của gia đình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay và trong đóng góp xây dựng xã hội phát triển văn minh, hiện đại.
Đặc biệt là các yếu tố tác động tích cực, tiêu cực đến gia đình hiện đại và giải pháp khắc phục để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... "Ban tổ chức hội thảo cũng mong muốn tiếp tục được lắng nghe những vấn đề khác từ góc nhìn của các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia, đại biểu về các giải pháp xây dựng và phát triển gia đình bền vững,..." – bà Nguyễn Trần Phượng Trân mong muốn.
Toàn cảnh hội thảo
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cho rằng xây dựng đời sống văn hóa gia đình trên thực tế là nhằm đem lại hạnh phúc thật cho mọi người trong gia đình và sự phát triển bền vững thực sự của từng gia đình nhằm góp phần xây dựng văn hóa của địa phương và của đất nước, của dân tộc.
Theo nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, của các gia đình và của toàn xã hội. Trong đó, cần coi trọng các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình, xây dựng và triển khai chiến lược chương trình mục tiêu về phát triển gia đình.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ mới, thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về dân số và phát triển…
Bên cạnh đó, theo bà Phạm Phương Thảo cũng cần quan tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ có liên quan để giúp gia đình phát triển kinh tế theo định hướng phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tiễn TP. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy đặc trưng của con người TP.
Bình luận (0)