Các nhà nghiên cứu cho rằng, bài viết đã nêu một số vấn đề có nội hàm rộng lớn, phong phú trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn: đó là chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trong đó, bài viết nhấn mạnh, Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay.
Sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội
Đề cập đến vấn đề nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, được nhắc đến trong bài viết của Tổng Bí thư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung này đã được đặt ra từ khi Đảng quyết định đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, sau này là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) năm 2011.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Đổi mới chính là quá trình vừa nghiên cứu lý luận vừa tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ nhận thức về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sự khái quát cao về nhận thức chủ nghĩa xã hội Việt Nam từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam và từ những thành công của thế giới kể cả những thất bại để khái quát và tìm ra được đường đi riêng, mô hình riêng cho Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với chỉ dẫn của Bác Hồ năm 1957, trong diễn văn khai giảng lớp lý luận đầu tiên, khóa I của Trường Nguyễn Ái Quốc. Bác nhấn mạnh việc phải hết sức chú ý việc sử dụng luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng trên quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để tổng kết kinh nghiệm và tìm ra quy luật riêng phù hợp với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam . Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc nhận thấy có sự liên hệ giữa chỉ dẫn của Bác Hồ cách đây 64 năm với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, Tổng Bí thư đã đưa ra những nhận thức rất mới, sâu sắc về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn đối với chủ nghĩa xã hội Việt Nam như: Khi nói về chủ nghĩa xã hội Việt Nam phải là vì con người, vì cuộc sống của nhân dân chứ không phải vì lợi nhuận của một nhóm người nào; hay nội dung cho rằng chủ nghĩa xã hội Việt Nam là xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo an sinh xã hội, đó là lợi ích của nhân dân; hay như nhận định chủ nghĩa xã hội Việt Nam là sự hoàn thiện hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng nhà nước pháp quyền và phân biệt rõ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền tư sản cũng là một điểm mới được làm rõ trong bài viết.
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu trong bài viết, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, đó là vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo đó, Tổng Bí thư gọi là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam là một chặng đường rất dài; mỗi chặng đường đi trải qua những bước đi cụ thể, với những hình thức, biện pháp cụ thể; cùng với đó, phải tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, bài viết được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết đúng dịp kỷ niệm lần thứ 131 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc nhắc lại những tư tưởng căn bản của Người về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Kết nối với thời điểm hiện nay, khi nước ta đang nỗ lực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, bài viết của Tổng Bí thư có tính định hướng quan trọng để Đảng và Nhà nước, nhất là bộ máy nhà nước pháp quyền không ngừng hoàn thiện để có trách nhiệm lịch sử, từ đó thể chế và hiện thực hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Đại hội XI đã bổ sung, phát triển. Những điểm Tổng Bí thư nêu trong trong bài viết về nhận thức thế nào là chủ nghĩa xã hội là vấn đề rất mới mẻ, đặt ra cho giới lý luận việc phải tiếp tục tổng kết thực tiễn đổi mới để làm sáng tỏ hơn nữa những luận điểm trên. Đồng thời, nó cũng đặt ra một hướng đi mới cho những nhà hoạch định chính sách pháp luật để từ bài viết có thể xây dựng những phương pháp triển khai trong thực tiễn ở mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Khẳng định sự lựa chọn đúng đắn
Bàn thêm về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ định nghĩa cơ bản về chủ nghĩa xã hội và chỉ ra lý do tại sao Việt Nam lựa chọn mục tiêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội, qua đó khẳng định sự lựa chọn mục tiêu đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta là đúng đắn.
Tổng Bí thư đã phân tích thực tiễn của xã hội hiện đại ở các quốc gia tư bản phát triển; qua đó khẳng định, mặc dù chủ nghĩa tư bản có những bước tiến, đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại nhưng đó không phải là mục tiêu mà nhân loại hướng tới bởi chính chủ nghĩa tư bản đã chứa trong nó những khuyết tật mà bản thân nó, dù có điều chỉnh, tìm cách hạn chế cũng không thể nào khắc phục được. Đó là do bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa dựa trên sự bóc lột, sự tước đoạt tự nhiên, sự duy trì bất bình đẳng xã hội với khoảng cách ngày càng rộng.
Chứng minh quan điểm lựa chọn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, Tổng Bí thư cho biết, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, nhất là trong 35 năm Đổi mới, mặc dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết, nhưng thành tựu là to lớn, có ý nghĩa lịch sử khá toàn diện. Thành tựu đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến các lĩnh vực khác. Điều này phản ánh niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã khẳng định, sau 35 năm đổi mới, một hệ lý luận về công cuộc đổi mới đất nước đã được hình thành. Hệ lý luận bao gồm một số trụ cột, trong đó có trụ cột về phương diện kinh tế. Mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra được những khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường nói chung và nhất là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Theo đó, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, vận hành theo những quy luật của kinh tế thị trường nhưng đồng thời cũng chịu sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhờ đó, những khuyết tật của kinh tế thị trường bị giảm thiểu, những ưu trội của kinh tế thị trường được phát huy.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người dân được quan tâm; các nhóm xã hội yếu thế, người nghèo được quan tâm chăm sóc; sự phân hóa xã hội được kiềm chế, sự tước đoạt tự nhiên được giảm thiểu. Đây là một mô hình, cách thức tổ chức kinh tế rất sáng tạo, mới mẻ, là kết quả quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Một điểm tâm đắc của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài trong bài viết của Tổng Bí thư, đó là bài viết nhận định, kinh tế thị trường không phải là của riêng của chủ nghĩa tư bản, không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản bởi nó là thành quả phát triển lâu dài của nhân loại. Vì vậy, Đảng ta hoàn toàn có quyền sử dụng thể chế kinh tế ấy phục vụ cho mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ đó sáng tạo ra được mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một trụ cột nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến, đó là hệ lý luận về vấn đề văn hóa, con người. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài, con người đứng ở vị trí chủ thể, trung tâm của phát triển văn hóa với tư cách là động lực, mục tiêu của sự phát triển. Trong 35 năm đổi mới, Việt Nam xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài, Tổng Bí thư cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam liên tục, thường xuyên phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; phát huy dân chủ để trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước và cũng là cơ sở để nối tiếp, làm tăng thêm quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Lắng nghe tiếng nói của người dân, phục vụ cho lợi ích chân chính của người dân là phương thức mà Đảng ta thể hiện được tâm nguyện của mình, thể hiện được mục tiêu của mình. Nhưng đồng thời cũng thể hiện rằng Đảng ta, nhà nước ta không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu là phục vụ người dân tốt hơn.
"Toàn bộ bài viết của Tổng Bí thư phản ánh được cách nhìn, khát vọng, mục tiêu không thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của bản thân đồng chí Tổng Bí thư cũng như của tất cả đảng viên của Đảng, đó là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, không có mục tiêu nào ngoài lợi ích chân chính của nhân dân. Vì vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tính hiệu triệu tất cả mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn vào công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Với niềm tin ấy, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Trọng Hoài nêu rõ.
Bình luận (0)