Chiều nay 26-11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo "Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn" nhằm tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26).
Ông Nguyễn Duy Hưng chủ trì hội thảo - Ảnh: Thế Dũng
Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo), cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra nhiệm vụ "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Ông Nguyễn Duy Hưng gợi mở hội thảo cần đặt ra những mục tiêu cụ thể trong tiến hành tổng kết Nghị quyết 26 để rà lại xem đã đạt được những kết quả gì, những việc gì còn nợ người dân? Cần có chiến lược, chính sách lớn cụ thể gì của Đảng, Nhà nước để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và hình thành được tầng lớp nông dân văn minh.
Tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết hiện số hộ cá thể tham gia các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Việt Nam là quá thấp, khoảng 30%, trong khi các nước là hầu hết 100% nông dân tham gia HTX. "Nếu hộ nông dân tập hợp vào HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế thủ tục cho vay của các tổ chức tín dụng"- ông Bảo nói.
Ông Bảo kiến nghị cần có thay đổi về chính sách tín dụng và hình thành các gói bảo hiểm tín dụng và cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn.
Ông Nguyễn Thanh Dương - Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần được tiếp tục cắt giảm một cách thực chất. Giảm gánh nặng thuế, phí, chế độ kế hoạch cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xác định doanh nghiệp đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp.
Còn TS Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết định hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, sẽ giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…
Đặc biệt là kéo dài thời gian cho thuê đất đối với khu vực kinh tế tư nhân; ưu đãi trong chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất; giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, nhất là cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch.
TS. Nguyễn Thị Hòa: Cần tăng tỷ trọng tín dụng cho vay phục vụ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp
Cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng
TS Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nêu rõ trong giai đoạn tới, sẽ tăng tỷ trọng tín dụng cho vay phục vụ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản; đẩy mạnh cho vay chuyển đổi cơ cấu nông sản, tập trung vào các danh mục sản phẩm chủ lực, thế mạnh. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hay các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác…
Ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết công ty đã xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ đến thôn, xóm, bản làng. ABIC là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dưới hình thức gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp + bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm góp phần khắc phục các rủi ro, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh… giúp người nông dân phục hồi sản xuất.
Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho hay, ngân hàng có hơn 20 sản phẩm tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, với giá trị hơn 2,2 triệu tỉ đồng. Ông Phượng kiến nghị cần tách biệt chính sách tín dụng đối tượng chính sách với tín dụng đối tượng thương mại.
Ông Nguyễn Duy Hưng kết luận hội thảo
Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết đại diện các Bộ ngành đã nêu lên 5 vấn đề lớn cũng là chuyên đề 5 trong tổng thể 25 chuyên đề của Ban Chỉ đạo đặt ra. Đó là về liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ.
Trong thời gian qua, đã thực hiện tốt 5 chính sách này và nhờ vậy đã tạo động lực cho sự phát triển ở nông nghiệp, nông thôn. Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 lần này sẽ là đợt tổng rà soát cơ chế, chính sách để xem cần thay đổi theo hướng nào, cụ thể ra sao để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Qua đó đánh giá lại những thành tựu, kết quả đã đạt được và làm rõ hạn chế, nguyên nhân, từ đó xác định rõ bối cảnh mới, tình hình mới để đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Duy Hưng nêu lại nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã... và nhiều chính sách cụ thể cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề xuất nguồn lực từ nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này cần tăng lên, là nguồn lực dẫn dắt; huy động nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội. Cùng với đó, tăng nguồn lực tín dụng, chính sách về thuế để tạo động lực, nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn như thuế thu nhập cá nhân của xã viên HTX.
"Thực tế cho thấy nợ xấu cho vay trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thấp nhất trong các ngành kinh tế. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng cho khu vực này"- ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Về đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
"Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII với mục tiêu xây dựng đội ngũ "nông dân văn minh" thì các Bộ ngành, địa phương... phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu số lớn của ngành nông nghiệp từ đất đai, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi… đến thị trường"- ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng phải quan tâm hình thành thêm các gói bảo hiểm mùa màng, vật nuôi cho người nông dân bên cạnh bảo hiểm khoản vay vốn tín dụng.
Bình luận (0)