Ngày 10-4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có công văn gửi Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) đề nghị lập hồ sơ, thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận hy sinh và công nhận liệt sĩ đối với ông Trần Văn Quý (SN 1987, quê xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ LĐ-TB-XH.
Ông Trần Đức Dũng ròng rã hơn 10 năm trời đi đòi công nhận liệt sĩ cho con trai nhưng chưa có kết quả
Trước đó, ngày 28-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam tiếp tục có tờ trình đề nghị cấp giấy chứng nhận hy sinh và công nhận liệt sĩ đối với ông Trần Văn Quý.
Theo tờ trình của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Quý là nhân viên kiểm lâm công tác tại Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam), đã hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ trục vớt gỗ (là tang vật vi phạm do các đối tượng lâm tặc cất giấu dưới lòng sông) vào ngày 15-5-2011 tại khu vực Mò O (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Qua kết quả kiểm tra, xác minh lại hiện trường (do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì kiểm tra vào ngày 15-12-2021) và làm việc với các ngành, địa phương, các bên có liên quan để cung cấp, bổ sung tài liệu chứng cứ, tình tiết mới về trường hợp chết của ông Quý cho thấy việc ông Trần Văn Quý (đảng viên, nhân viên kiểm lâm) thực hiện nhiệm vụ do đơn vị giao trong điều kiện làm việc nguy hiểm, cấp bách.
Kiểm lâm viên Trần Văn Quý đã hy sinh hơn 10 năm nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, khiến người thân và chính quyền địa phương đau lòng, trăn trở
"Ông Quý đã không quản ngại nguy hiểm, xả thân lặn xuống sông để trục vớt gỗ, mặc dù biết trước khu vực trục vớt gỗ là nguy hiểm nhưng vì trách nhiệm công việc phải trục vớt tang vật để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là hành động dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, được quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ "Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân" – tờ trình của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nêu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, sau khi ông Quý hy sinh lúc làm nhiệm vụ, Chi cục Kiểm lâm và Sở đã phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương và gia đình ông Quý xác lập đầy đủ các hồ sơ, biên bản, tài liệu liên quan để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận liệt sĩ đối với ông Trần Văn Quý.
Tuy nhiên, tại các văn bản trả lời, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng trường hợp ông Trần Văn Quý "không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành".
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 15-5-2011, ông Trần Văn Quý (khi đó 25 tuổi) qua đời khi thực hiện nhiệm vụ trục vớt gỗ do "lâm tặc" cất giấu dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực Mò O. Suốt 10 năm qua, ông Trần Đức Dũng (70 tuổi) cầm đơn đi khắp nơi kêu cứu, đề nghị công nhận liệt sĩ cho con trai mình nhưng chưa có kết quả.
2 cán bộ xã qua đời khi đi cứu người cũng không được công nhận liệt sĩ
Tại tỉnh Quảng Nam, ngoài trường hợp kiểm lâm viên Trần Văn Quý, có 2 cán bộ xã cũng qua đời lúc làm nhiệm vụ nhưng Bộ LĐ-TB-XH không công nhận liệt sĩ.
Trước đó, ngày 13-1-2023, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký công văn lần 2 gửi Bộ LĐ-TB-XH, đề nghị cấp bằng "Tổ quốc ghi công" đối với ông Hồ Văn Sợ (SN 1995), cán bộ Dân vận - Tuyên giáo xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) và ông Hồ Văn Độ (SN 1992), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phước Lộc.
2 cán bộ xã trên qua đời vào ngày 28-10-2020 trong lúc đi cứu người bị sạt lở núi. Tháng 8-2021, UBND tỉnh Quảng Nam gửi văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ nhưng ngày 20-12-2022, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản phản hồi, cho rằng "ông Độ và ông Sợ đang trên đường đi đến khu vực ảnh hưởng của bão số 9 thì bị tai nạn (sạt lở núi) dẫn đến tử vong nên chưa đủ cơ sở xem xét, xác nhận liệt sĩ".
Bình luận (0)