Thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ngoài việc mở mang đất đai, các chúa đã xây dựng lực lượng thủy quân truyền thống để giữ gìn biển đảo, như tổ chức các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, vừa làm nhiệm vụ khai thác kinh tế biển vừa giữ gìn chủ quyền trên biển Ðông. Triều đình đã tổ chức khảo sát, ghi chép cẩn thận về tuyến đường biển ra các đảo, xa nhất có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðó là những cơ sở cho việc quản lý vùng biển của Tổ quốc.
Chú trọng chủ quyền biển đảo từ rất sớm
Sang thế kỷ XIX, nhà Nguyễn càng chú trọng hơn tới việc thực hiện quản lý về chủ quyền trên vùng biển, đảo. Ngay đầu đời Gia Long, nhà vua tiếp tục duy trì, củng cố các đội Hoàng Sa như trước và giao quần đảo Hoàng Sa cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý.
Dưới thời Minh Mạng (1820-1840), triều đình thường cử thủy binh và quan lại đi thăm dò đường biển và khảo sát tại quần đảo Hoàng Sa. Đảo lớn nhất trong quần đảo này bấy giờ được ghi chép là đảo Phật Tự, đảo có chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt mọc trên cát trắng, giữa có giếng nước ngọt, phía Tây Nam dựng miếu và bia đá khắc 4 chữ "Vạn lý ba bình" (muôn dặm sóng yên). Phía Ðông và phía Tây đảo đều là "đá san hô mọc vòng quanh mặt nước" (sách "Ðại Nam nhất thống chí"). Tiếp giáp với vòng san hô, phía Tây Bắc của đảo Phật Tự có một bãi cát nổi lớn có chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước, có tên gọi là Bàn Than. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho thuyền chở gạch ra đảo Bàn Than, xây một ngôi đền. Phía bên tả dựng một tấm bia đá ghi dấu chủ quyền, tỉa hạt trồng các thứ cây ở hai bên và phía sau đền.
Mô hình thuyền dùng để đi Hoàng Sa được nghệ nhân Võ Hiến Đạt ở Xã An Vĩnh, Lý Sơn chế tác lại.
Ngoài việc quan tâm đến các vùng biển, đảo xa, nhà Nguyễn tăng cường quản lý chặt chẽ các đảo và quần đảo gần bờ. Đặc biệt, triều đình rất quan tâm, khuyến khích việc di dân từ các địa phương nội địa đến lập làng ở các vùng ven biển, thực hiện khai đê lấn biển, phát triển kinh tế ven biển.
Đầu thế kỷ XIX, nhà vua đặt ra chức "doanh điền sứ" để đảm nhận công việc khai khẩn ven núi, ven biển nhằm thực hiện chủ trương di dân ra biên giới, bờ biển. Nổi bật nhất là công việc lấn biển của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã cho ra đời 2 huyện mới: huyện Tiền Hải thuộc tỉnh Thái Bình và huyện Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829).
Sớm có lực lượng biên phòng biển đảo
Đến giữa thế kỷ XIX, toàn bộ vùng biển nước ta đặt dưới sự quản lý của 75 huyện, 3 châu thuộc 32 phủ của 18 tỉnh, 3 đạo và 1 phủ (Thừa Thiên) trực thuộc kinh thành. Các tỉnh ven biển đều được triều đình giao trách nhiệm quản lĩnh tất cả biên giới, bờ biển, hải đảo. Ngoài các đơn vị hành chính như tỉnh (hoặc đạo), phủ, huyện, tổng, xã ven biển còn có các hình thức tổ chức hành chính khác nhau, như trại (nơi mới lấn biển), vạn, phường theo các nghề đánh cá và chế biến hải sản. Nhờ những chính sách và biện pháp đó mà vùng biển nước ta từ Bắc vào Nam với những đảo ven bờ hay cách xa bờ 2-3 ngày đi thuyền đã có dân cư sinh sống. Cụ thể là trong vùng quần đảo của tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) có hàng trăm đảo lớn nhỏ, địa thế hiểm trở, phức tạp, ở đó, cư dân chủ yếu làm nghề đánh cá, buôn bán trên biển.
Còn tại vùng biển phía Nam thuộc tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên cũng có rất nhiều đảo. Ðể tiện cho việc quản lý, bản đồ hành chính nước ta thời đó đã vẽ khá cẩn thận và kỹ lưỡng các đảo này. Có những đảo phải đi từ 1-2 ngày bằng thuyền mới tới nơi. Chẳng hạn, đảo Côn Lôn vốn do trấn Gia Ðịnh cai quản. Từ cửa Cần Giờ đi ra đảo Côn Lôn phải mất 2 ngày. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), Côn Lôn được chuyển cho Vĩnh Long cai quản. Trên đảo có ruộng trồng lúa, cư dân thôn An Hải sinh sống. Hằng năm, họ làm ruộng, chăn nuôi, đánh cá và nộp thuế cho nhà nước bằng yến sào, ốc tai voi, đồi mồi, vích, dây mây...
Việc tổ chức quản lý dân cư, lãnh thổ ven biên giới vùng biển được thực hiện theo xu hướng thống nhất, tập trung quyền lực và quản lý chặt chẽ vào một đầu mối tối thượng là nhà vua và triều đình. Nếu như các triều đại từ thế kỷ XVIII trở về trước đã chú trọng đến việc sắp đặt lãnh thổ, quản lý cư dân ven biên giới, ven biển làm cơ sở khẳng định, thực hiện chủ quyền quốc gia thì nửa đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cũng hết sức chú trọng khai thác, kế thừa, nâng cao các thành quả của các tiền triều.
Để bảo vệ biên giới, bờ biển, vùng biển, nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức xây dựng và phát triển các lực lượng biên phòng, bố trí hệ thống "đồn bảo", "tấn sở" ở các cửa ải biên giới, cửa biển rất dày đặc. Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện tổ chức, biên chế lực lượng và quan quân trấn thủ biên phòng. Lực lượng trấn giữ biên giới, biển đảo thời Nguyễn bao gồm cả quân lính chính quy thường trực của triều đình lẫn quân địa phương, thổ binh, dân binh. Trong đó, quân chính quy đã được biên chế với tỉ lệ cao và có mặt ở hầu hết các khu vực trọng yếu.
Ngoài việc nâng cao trình độ tổ chức quản lý dân cư, lãnh thổ và tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ biên phòng, nhà Nguyễn còn từng bước đề ra những quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng này. Đó là những quy định phản ánh sự dẫn dắt, chỉ đạo tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, cách thức tiến hành kiểm soát, tuần tiễu nắm tin tức ở biên giới, cửa biển và trên vùng biển, đảo... Có những mặt hoạt động đã đạt tới một sự định hình nghệ thuật bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, vùng biển của đất nước. Trước nguy cơ xâm lược của nước ngoài, nhà Nguyễn đã có một hệ thống biên phòng gần như hoàn chỉnh nhất mà hiện nay đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng cần thiết.
Bình luận (0)