xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Loan "cá", Đường "Nhuệ", Phú Lê... là do địa phương buông lỏng, chưa quyết liệt?

Thế Dũng

(NLĐO)- Báo cáo của Bộ Công an nêu rõ tại một số địa phương có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng, công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá như Đường "Nhuệ", Loan "cá", Phú Lê...

Sáng nay 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên thứ 48 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.

Báo cáo của Bộ Công an gửi đến UBTVQH cho biết trong năm 2020, toàn ngành đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt 86,04% (án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%).

Lực lượng công an cũng đã tổ chức tiếp nhận, giải cứu 137 nạn nhân bị mua bán trở về. Triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Đã có 436 vụ/766 bị can đã bị khởi tố về các tội danh liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê, trong đó đã khởi tố 214 vụ án/497 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng (945 vụ, tăng 7,63%, 1.255 đối tượng, tăng 4,41%) với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn. Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" dù tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát (467 vụ, giảm 2,91%).

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, tại một số địa phương có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng, công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá. Cụ thể là băng nhóm vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường "Nhuệ") tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan "cá") tại Đồng Nai , băng nhóm vợ chồng đối tượng Lê Văn Phú (Phú Lê) tại Hà Nội...

Tình trạng các băng nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn gây lo ngại trong nhân dân vẫn xảy ra mà điển hình là vụ Nguyễn Thanh Tuấn huy động gần 200 đối tượng sử dụng hung khí đập phá quán ăn, làm 1 người bị thương tại TP HCM; vụ 2 nhóm gồm 27 đối tượng đánh nhau làm 1 người bị chết, 3 người bị thương tại Quảng Ninh…

Loan cá, Đường Nhuệ, Phú Lê... là do địa phương buông lỏng, chưa quyết liệt? - Ảnh 1.

Loan "cá" bị Công an bắt giữ

Cũng theo Bộ Công an, dịch bệnh Covid-19 đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị.

Trong đó là sự gia tăng đột biến của các vụ án chống người thi hành công vụ trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm, thống kê được 285 vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ (tăng 280%), làm 11 cán bộ hy sinh, 206 người bị thương.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động.

Cụ thể như vụ 2 đối tượng cướp gần 900 triệu đồng tại ngân hàng BIDV Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), vụ đối tượng dùng súng cướp ngân hàng Techcombank Sóc Sơn (Hà Nội); vụ đối tượng cướp 200 triệu đồng tại ngân hàng Vietconmbank Núi Thành (Quảng Nam); vụ 2 đối tượng cướp tiệm vàng Kim Phát Dũng ở Bình Chánh, TP HCM lấy đi số vàng 224 triệu; vụ cướp tiệm vàng ở Chợ Mới (An Giang), ở Duy Xuyên (Quảng Nam)…

Theo Công an, còn xuất hiện trong nhóm tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

"Trong sáu tháng đầu năm 2020, ngành công an đã phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi" - Báo cáo của Bộ Công an nêu rõ.

Đặc biệt, các vi phạm khác liên quan đến lĩnh vực y tế còn là các vụ đầu cơ, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Vụ việc điển hình đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư Khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan. Đến nay, đã có 9 bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này.

Cùng với đó là số vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc nhỏ lẻ theo hình thức truyền thống cũng tăng lên trong thời gian cách ly vì dịch bệnh này (tăng 17,84%). Theo đó, công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa tụ điểm chơi tài xỉu, thu giữ 1,2 tỉ đồng; công an Hòa Bình triệt xóa ổ xóc đĩa, thu giữ 784 triệu đồng, xử lý 20 đối tượng. Công an Lào Cai cũng bắt quả tang 77 đối tượng đánh bạc, thu giữ hơn 1 tỉ đồng.

Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã xuất hiện hành vi mua bán, thế chấp sổ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội để trục lợi.

Vẫn liên quan đến dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, 1.479 đối tượng sử dụng mạng xã hội đã bị triệu tập để đấu tranh, răn đe, nhắc nhở khi đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đã có 17 đối tượng đã bị khởi tố, 466 đối tượng bị xử phạt hành chính.

Ngoài ra, thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tại nhiều địa phương đã có tình trạng chi không đúng đối tượng, như ở Thanh Hoá, Ninh Thuận, Hoà Bình.

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường, trong năm 2021, Bộ Công an nhận định đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.

16.000 trường hợp nhập cảnh trái phép

Bộ Công an cho biết một vấn đề đáng chú ý là qua tăng cường quản lý và kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 trường hợp nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ, 70 bị can.

Công an Đà Nẵng phát hiện đối tượng người Trung Quốc tổ chức cho 52 đối tượng là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; Công an Bắc Giang bắt giữ đối tượng Lưu Văn Ba tổ chức cho 05 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo