Ngày 31-8, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên giải trình về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk kéo dài 2 năm qua chưa được khắc phục triệt để
Giải trình tại phiên họp, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết trong 2 năm qua, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Tháng 5-2023, Sở Y tế phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, về cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, chủ yếu thiếu thuốc tập trung ở các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu hoặc nhà thầu không tham gia. Đối với danh mục do các cơ sở y tế tự đấu thầu, tình hình thiếu thuốc cục bộ xảy ra tại một số thời điểm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, do phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, gây thiếu hụt một số loại thuốc, đặc biệt là Immune globulin trong giai đoạn cao điểm dịch tay chân miệng hiện nay.
Về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán, theo ông Nay Phi La, hiện một số bệnh viện hết lượng lớn mặt hàng. Trong thời gian tới sẽ có thêm một số vật tư và hóa chất xét nghiệm hết như: dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, catheter thận nhân tạo, hóa chất sinh hóa, hóa chất huyết học, hóa chất sàng lọc máu, vật tư, hóa chất phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng lần lượt hết.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk phân tích hàng loạt bất cập về cơ chế, chính sách và thiếu nhân lực thực hiện công tác đấu thầu. Đội ngũ cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo kiến thức chuyên môn về y dược, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác đấu thầu dẫn đến việc một số cán bộ y tế cho biết sẽ bỏ việc vì lo ngại sai phạm trong công tác đấu thầu.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nay Phi La cho biết giai đoạn trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Sở Y tế có 4 nhân lực về dược thực hiện công tác đấu thầu. Sau vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014-2015", ngoài 1 cá nhân bị khởi tố, có 2 nhân lực nghỉ việc và 1 nhân lực thuyên chuyển công tác. Để đảm bảo công tác đấu thầu, Sở Y tế điều động bổ sung 2 nhân lực từ các cơ sở y tế trực thuộc. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực mỏng vẫn chưa đáp ứng được khối lượng công việc quá tải.
Trước tình hình trên, Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục điều động, bổ sung thêm nhân lực từ các cơ sở y tế trực thuộc để thực hiện công tác đấu thầu trong thời gian chờ đợi UBND tỉnh tổ chức thi tuyển công chức.
Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh giao Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Y học cổ truyền tổ chức đấu thầu thuốc cấp cơ sở cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
"Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế, tôi nhận thức sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ hoạt động cho ngành Y tế. Trên cơ sở khắc phục những thiếu sót, trong thời gian tới tôi sẽ chỉ đạo công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị ngày càng hoàn thiện và hiệu quả hơn, phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân" - ông Nay Phi La nhìn nhận.
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến ngày 30-6-2023, có đến 149 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có 84 bác sĩ.
Bác sĩ thôi việc đa số là các bác sĩ có trình độ sau đại học, làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện. Đây là những nhân lực y tế chất lượng, có nhiều kinh nghiệm công tác.
Bình luận (0)