Ngày 3-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Lãi suất cho vay có xu hướng giảm
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao và là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất nhận định tình hình thời gian tới còn nhiều thách thức. Do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, gặp nhiều khó khăn. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề cần sớm được tháo gỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023 Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ việc phản ứng chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; sự phối hợp giữa một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chưa thật sự hiệu quả. Thủ tướng cho rằng cần phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ trong giải quyết, xử lý công việc.
Tăng khả năng tiếp cận vốn
Nhấn mạnh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT) thời gian qua chưa được khắc phục triệt để, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để bảo đảm yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 về quản lý TTBYT. Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ trên tất cả lĩnh vực, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc, TTBYT.
Trước những thách thức đã được nhận diện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết các khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các vướng mắc về pháp lý với tinh thần "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể". Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định. Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất.
Về những khó khăn trên thị trường bất động sản, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường này theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được. Ngoài ra, thúc đẩy chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành. Bộ Công Thương được yêu cầu sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy hoạch điện VIII, sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Đối với số dư 2.800 tỉ đồng sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình phương án xử lý.
Ban hành nghị định tháo gỡ thiếu trang thiết bị y tế
Ngày 3-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị định số 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021 về quản lý TTBYT. Nghị định này của Chính phủ nhằm khơi thông các vướng mắc giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực TTBYT. Để giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị do số giấy phép nhập khẩu TTBYT hết hạn vào ngày 31-12-2022, Nghị định số 07/2023 quy định được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Nghị định cũng khắc phục những vướng mắc lớn trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu.
T.Dũng
Bình luận (0)