Cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) vào chiều 5-9, Uỷ viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thuỷ nêu lại TTCP đánh giá có "hạn chế" trong PCTN.
Uỷ viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thuỷ - Ảnh: Thế Dũng
Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, đó là có một số bộ ngành địa phương nể nang, né tránh, ngại va chạm trong PCTN, nguyên nhân của hạn chế này là do một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là một số người đứng đầu trong cơ quan tổ chức chưa gương mẫu, chưa quyết liệt trong PCTN.
"Nếu nói không địa chỉ thế này thì sẽ rất khó để khắc phục hạn chế sau này, mong Tổng TTCP giúp đại biểu Quốc hội nắm được một số ở đây là bao nhiêu? Số liệu bao nhiêu này thuộc những địa chỉ nào, địa phương, bộ ngành nào?"- bà Thuỷ đề nghị.
Đặc biệt về kê khai tài sản, bà Nguyễn Thị Thuỷ đặt vấn đề: "Năm 2018 có hơn 1,1 triệu cán bộ công chức và có 44 người được xác minh, trong đó có 6 người vi phạm. Số vi phạm khá lớn trong tổng số xác minh. Tôi băn khoăn vì sao chỉ có 44/1,1 triệu người kê khai được xác minh. Trừ đi số xác minh với số kê khai còn trên 1,1 triệu người chưa được xác minh, liệu trong số kê khai chưa được xác minh thì tỷ lệ vi phạm lớn như thế nào, vì mới chọn ra 44 người đã có 6 người vi phạm"- bà Thuỷ chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ dẫn lại báo cáo của Chính phủ nêu qua hoạt động thanh tra đã ban hành hơn 81 nghìn quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN với số tiền kiến nghị là 6.110 tỉ đồng.
"Trong số này chỉ có 85 vụ chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tội phạm. Tổng TTCP cung cấp trong 81 nghìn trường hợp xử lý hành chính trong PCTN này có chính xác không, có trường hợp nào hành chính hoá hình sự, tức là đáng ra hình sự nhưng lại xử lý hành chính không?"- bà Thuỷ đặt câu hỏi.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thuỷ gửi đến Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương câu hỏi "là trong 232 vụ án tham nhũng khởi tố mới, có bao nhiêu vụ trong số này cơ quan thanh tra, kiểm toán đã thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm toán, để từ đó có số liệu về kết quả chất lượng của thanh tra, kiểm toán?".
Về trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho thấy có 29 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra hành vi tham nhũng, thuộc 16 tỉnh trong cả nước.
"Vậy ngoài 29 người này, còn bao nhiêu trường hợp nữa để xảy ra tham nhũng, đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng người đứng đầu không bị xử lý? Có phải do người đứng đầu các địa phương cơ quan đơn vị này đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng nhưng vẫn để xảy ra, tức là nó nằm ngoài trách nhiệm của các đồng chí đó nên mới không bị xử lý?"- Uỷ viên Thường trực UBTP đặt vấn đề.
Đồng tình, Uỷ viên UBTP Nguyễn Bá Sơn (đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi cho TTCP "có bao nhiêu vi phạm trong số hơn 1,1 người kê khai tài sản?". Ông Nguyễn Bá Sơn kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xác minh tài sản.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng hiện tượng "công ty sân sau" không chỉ có 1 mà có người có vài ba công ty sân sau.
"Có hiện tượng nhiều hợp đồng kinh tế cứ phải chạy qua 1 địa chỉ. Cùng với đó là nhiều tài sản, đất đai rơi vào tay một số người"- ông Sơn đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim
Ủng hộ quan điểm ông Nguyễn Bá Sơn, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nói: "Năm 2018, thu lại tiền tặng quà có 421 triệu thì nhỏ quả. Chỉ 1 vụ AVG hiện mới khởi tố vài người làm cho xã hội chưa yên tâm với việc xử lý các cán bộ. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói đến tài sản nhà nước rơi vào tay Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). Trời ơi cứ rung cây nhát khỉ là người tham nhũng tẩu tán hết tài sản. Tiền của chuyển đi đâu hết rồi mới truy tố, xử lý. Vấn đề là phải làm tới nơi, thu hồi được bao nhiêu tài sản thất thoát, tỉ lệ thu hồi là bao nhiêu?".
Ông Vũ Trọng Kim cho rằng biện pháp cấp bách trong PCTN là phải ngăn chặn và thu hồi lại tài sản do tham nhũng mà có.
"Không quan trọng việc bắt người ta vào tù mà phải thu hồi được tài sản tham nhũng, đó là xương máu của nhân dân"- ông Vũ Trọng Kim bộc bạch.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết vụ Mobifone mua AVG mới bắt đầu điều tra, hiện mới chỉ bắt tạm giam 2 người.
"Tới đây sẽ tiếp tục mở rộng làm rõ vụ án Mobifone mua AVG, kể cả việc mua bán, trả tiền ra sao… "- Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định.
Cũng theo ông Lê Quý Vương, hiện ngành Công an đang điều tra làm rõ 11 vụ việc liên quan đến các vụ án lớn liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có lĩnh vực than khoáng sản, điện, phân đạm, xi măng...
Đặc biệt, về vụ Vũ "nhôm", Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết đến nay việc khởi tố điều tra được 7 – 8 tháng kể từ khi đưa Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về Việt Nam.
Theo ông Vương, vụ án đã có sự chỉ đạo chặt chẽ của một Ban chỉ đạo do Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng trực tiếp làm tổ trưởng.
Đến nay Phan Văn Anh Vũ đã khởi tố 4 tội danh, trong đó tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước đã được xử lý.
"Ngoài tội lộ bí mật nhà nước, đã khởi tố tội lợi dụng chức vụ và thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý đất đai, quản lý công sản; và có thể còn đang phải xem xét thêm yếu tố rửa tiền có liên quan đến nước ngoài hay trốn đi nước ngoài… Hiện đang tiếp tục làm"- ông Vương chia sẻ.
Ông Lê Quý Vương cũng nêu vấn đề sai phạm của Vũ "nhôm" có liên quan gì đến địa phương không?
"Câu hỏi đặt ra, có sự vi phạm của chính quyền địa phương trong vụ án Vũ "nhôm"? Hiện đã khởi tố hai nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, rồi nguyên giám đốc, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, rồi các công ty… Ai là người giúp Phan Văn Anh Vũ lấy 31 công sản, rồi hàng chục dự án? Những việc này đang được làm rõ. Phan Văn Anh Vũ có 1 vụ liên quan đến TP HCM"- ông Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Trấn an các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết một trong những yêu cầu hiện nay là thu hồi tài sản luôn đặt ngang với việc điều tra bắt giữ, xử lý tội phạm tham nhũng.
"Ví dụ trường hợp bà Hứa Thị Phấn, trên 60 tuổi, nặng hơn 100 kg, mấy loại bệnh cũng phải xét xử và vừa rồi đã kê biên trên 10 nghìn tỉ đồng. Các vụ án khác như Ngân hàng Đông Á cũng kê biên 2.000 tỉ đồng. Thu hồi tài sản hiện nay đang có chiều hướng tốt"- ông Vương khẳng định.
Bình luận (0)