Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu
Chiều 4-9, phát biểu thảo luận tại phiên họp toàn thể tại Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra báo cáo công tác các cơ quan tư pháp Trung ương trong năm 2018, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Chính phủ tích cực hơn nữa, quan tâm tới các hiệp định thỏa thuận tương trợ tư pháp với những nước châu Âu và Mỹ. Bởi theo ông, có tình trạng khi chúng ta "đốt lò nóng lên" thì các đối tượng phạm tội lại "nhảy" qua các nước đó. Thậm chí những đối tượng này đã chuẩn bị tiền bạc, nhà cửa, hồ sơ pháp lý, đưa vợ con đi từ 5-10 năm trước.
"Chính vì vậy, cần có hiệp định tương trợ tư pháp để ngăn chặn tình trạng này. Nếu không chúng ta sẽ chứng kiến một điều, là khi tội phạm khi thoát ra nước ngoài cứ nhởn nhơ, gây sự bất công rất lớn"- ĐB Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết vừa qua, báo cáo điều tra, tuy tìm các tội phạm, thì chúng ta hạn chế về quyền hạn ở nước ngoài, ví dụ điều tra tài sản ở nước ngoài. "Cái này rất quan trọng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng. Nên đề xuất nghiên cứu thêm để tăng cường thêm, làm việc với các định chế quốc tế, làm sao phải truy ra các tài khoản và tài sản ở nước ngoài, bởi điều này cũng góp phần truy được nguồn tiền đó từ đâu mà có"-ông nói.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, lâu nay, trong quản lý nhà nước nói chung, trong đó có phòng chống tội phạm, "chúng ta có hiện tượng đi sau". Phân tích kĩ hơn, ông Nghĩa cho biết có 3 đặc điểm của tội phạm: thứ nhất là công khai, thứ hai là kéo dài và thứ ba là quy mô lớn.
Ví dụ khai thác cát lậu hay phá rừng, đâu phải diễn ra một đêm. Máy móc chạy rầm rộ, báo chí đăng, nhà cửa sụp hết, đâu có lén lút gì, nhưng các địa phương lúng túng? Hay những vụ án như ngân hàng kéo dài 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm.
Rồi những vụ như Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), theo ông Nghĩa, là cả chục năm rồi, dư luận đồn đại rất nhiều. Đến các địa phương người ta đều nói và nó tác động đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài. "Có nhà đầu tư nước ngoài nói với tôi, đến Đà Nẵng không đụng được vào đâu vì có ông nọ ông kia chi phối hết rồi… nhưng chúng ta vẫn để như thế"- ông Nghĩa nói.
"Chức năng quản lý nhà nước, không phải họ giết người rồi ta đi bắt về xử. "Chức năng của chúng ta trong phòng chống tội phạm là phòng và không để cho tội phạm xảy ra. Và nếu nó xảy ra nhiều thì giảm thiểu để nó xảy ra ít"- ĐB Nghĩa nêu quan điểm.
Nói thêm về vấn đề Vũ "nhôm" và Út "trọc", ĐB Trương Trọng Nghĩa quan tâm về việc lực lượng vũ trang làm kinh tế. "Những anh này là doanh nhân hay lực lượng vũ trang?"- ông băn khoăn.
"Họ đang là thượng tá, không khéo vài năm nữa lên đại tá hay thậm chí là thiếu tướng - đây là lực lượng tinh tuệ, lãnh đạo người khác. Vậy thì những ông này được đào tạo thế nào, quy trình bồi dưỡng ra sao và ai là người kiểm soát, ai là người lãnh đạo những ông này?"- ĐB Nghĩa lo ngại.
Đưa ra ví dụ rằng nếu chúng ta có một tình báo viên cỡ như ông Phạm Xuân Ẩn, trong thời kỳ chiến tranh, nếu tình báo viên đó xấu, suy thoái hoặc phản bội, thì lãnh đạo trực tiếp của anh ta sẽ bị quân địch bắt hoặc bị giết. "Thế bây giờ ai lãnh đạo những anh này mà lại để xảy ra như vậy? Vấn đề cơ chế kiểm soát đối với những hoạt động mang tính chất "bình phong" hay lực lượng vũ trang làm kinh tế, chúng ta đã có cơ chế đầy đủ chưa?"- ĐB Nghĩa nêu.
"Rồi quá trình đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ này. Ví dụ anh này là thượng tá, vậy mục đích chính của anh ta là làm giàu hay hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, Nhà nước? Sao anh ta có tài sản lớn như thế, nhân dân không thể hiểu là gì. Trong chiến tranh, hoạt động tình báo, thì tài sản là để hoạt động cách mạng chứ không phải tài sản phục vụ cho lợi lích cá nhân, gia đình anh ta"- vị đại biểu đến từ TP HCM bày tỏ.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, một số nước hoạt động tình báo hay đặc tình thì Quốc hội giám sát và có một uỷ ban đặc biệt giám sát, hằng năm phải có báo cáo về hoạt động này. "Còn chúng ta thì giám sát thế nào? Quốc hội có giám sát không?"- ĐB nêu câu hỏi.
Bình luận (0)