xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng bất ngờ nêu những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam

Dương Ngọc

(NLĐO)- Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, không như thông thường, thay vì bắt đầu với thành tựu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên những điểm chưa đạt kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Chiều 13-9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 với chủ đề "Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy" đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của 1.200 doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Thủ tướng bất ngờ nêu những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu khai mạc hội nghị, không như thông thường, thay vì bắt đầu với những thành tựu đạt được của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên những điểm chưa đạt kỳ vọng để các doanh nghiệp (DN) suy nghĩ và hành động mạnh mẽ hơn.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng về độ sâu thì còn rất nhiều việc phải làm. Theo thống kê, hiện mới có chỉ 21% DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều con số của ASEAN là 46%. Tỉ trọng giá trị sản phẩm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra nhiều DN Việt Nam chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm… là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỉ lệ giá trị sản phẩm được các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, còn lại là mua của các DN FDI khác hoặc nhập khẩu.

"Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên vị trí cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI. Chủ trương này rất quan trọng, đang được triển khai"- Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh DN Việt Nam phải tự hoàn thiện mình, cải thiện năng lực quản trị, độ tinh thông trong hoạt động, theo đuổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn, Thủ tướng cho biết Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành cùng DN trong toàn bộ tiến trình. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhiều DN FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, tăng cường chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực DN Việt Nam.

"Việt Nam không tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn làm bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó, đồng thời có khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới"- người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Cửa ngõ quan trọng bậc nhất của thị trường ASEAN

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì trong tốp quốc gia đạt tốc độ cao trên thế giới. Năm 2017 tốc độ tăng trưởng đạt đạt 6,81%, 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% , là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua kể từ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF đối với Việt Nam ở vị trí 55/137 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh của WB xếp Việt Nam vị trí 68/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo của của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2017 xếp thứ 45/127 nền kinh tế.

Bên cạnh sự thông thoáng, thu hút, phát triển, ở đâu đó, một số ngành, một số địa phương vẫn còn sự gây khó cho DN, cản trở thương mại, đầu tư, phát triển, cần khắc phục nghiêm túc để tạo thông thoáng tốt hơn, đúng pháp luật hơn.

Việt Nam đang trở thành 1 trong những công xưởng trên thế giới, là một trong những điểm tựa cho các tập đoàn xuyên quốc gia, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu, độ mở thương mại của quốc gia lớn, đạt hơn 200% GDP. Việt Nam có hơn 26.000 DN FDI đang hoạt động trên 331 tỉ USD đến từ 130 quốc gia đối tác, trong đó nhiều tập đoàn hàng đầu quốc tế…. Đó là những chỉ dấu tích cực về sức hấp dẫn về môi trường đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.

Cùng với đó, chúng ta vui có sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam, chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm những DN lớn. Có nhiều DN Việt Nam là thành viên của WEF như Viettel, FPT, Vingroup, Vietcombank, Hòa Phát… và hàng vạn DN tư nhân khác.

"Phát triển DN, tạo nên nhiều việc làm cho người dân, góp phần tăng trưởng tốt, đóng góp vào ngân sách nhà nước, vào mục tiêu phát triển đất nước trên tinh thần dân giàu, nước mạnh là niềm tự hào của chúng ta"- Thủ tướng nói.

Môi trường chính trị xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định liên tục, có ý nghĩa trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. Những yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định, tăng trưởng cao liên tục, thương mại tăng trưởng 15%/năm, nợ công, lạm phát được kiểm soát…

Điều này, cùng lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong các nước ASEAN, được đào tạo cơ bản, cần cù, thông minh, tiếp thu công nghệ nhanh chóng, vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ trong khi một số nước bắt đầu đánh mất lợi thế này… 55% trong tổng số gần 95 triệu người dân sử dụng internet, 60% lao động trẻ dưới 35 tuổi. Đó là lợi thế của Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên của WTO, 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn, hiệp định thương mại thế hệ mới CP TPP, EV FTA,… Có một thị trường lớn để hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Các hiệp định này đang mở ra cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Giờ đây, khi đứng ở Việt Nam, có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới. Đặc biệt, với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất, đồng thời có vị trí địa chiến lược tối ưu trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Trên nền tảng kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có trên 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD với tiềm năng tăng trưởng của chuỗi cung ứng lớn, khả năng đa dạng hóa khá tốt trước những biến động của thương mại thế giới. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ tốp đầu thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, cá basa, tôm,… cung ứng hoa quả thực hiện theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới… DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam còn thấp.

"Khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, với ý chí quật cường, tự hào dân tộc, phải nỗ lực nhiều hơn, DN đổi mới, sáng tạo nhiều hơn... để nâng tầm phát triển kinh tế… DN phải đóng góp mạnh mẽ vào xây dựng đất nước cường thịnh. Thắng lợi của các bạn là thắng lợi của Chính phủ"- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng mong muốn hội nghị sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo