Tại phiên thảo luận về triển vọng địa - chính trị châu Á trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra sáng 13-9 tại Hà Nội, cả hai người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản đều bày tỏ kỳ vọng Mỹ sẽ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng TPP vẫn tiếp tục là phương án tốt nhất cho Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng TPP vẫn tiếp tục là phương án tốt nhất cho Mỹ. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực cuối năm nay và sau đó sẽ bắt đầu mở rộng thành viên. Hiện Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia ở châu Mỹ La-tinh, Anh đang bày tỏ mong muốn tham gia vào TPP. "Nó sẽ tạo nên một cơ chế thương mại lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ rất hấp dẫn với các ngành công nghiệp và nông dân Mỹ. Chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm và có quyết tâm quay trở lại TPP"- ông Taro Kono nói.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định chủ trương của Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam hiện đang tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương chất lượng cao, đóng góp vào xu thế liên kết kinh tế quốc tế. TPP là thỏa thuận có tiêu chuẩn rất cao, cao nhất mà Việt Nam đã từng tham gia. Nếu Mỹ tham gia, Việt Nam sẵn sàng chào mừng. ASEAN cũng đang đàm phán thỏa thuận đa phương trong khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định nếu Mỹ tham gia TPP, Việt Nam sẵn sàng chào mừng
Đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Singapore, Tiến sỹ Lynn Kuok, cho rằng Mỹ đang đánh mất cơ hội kinh tế khi không tham gia TPP. Đánh giá Nhật Bản đã làm tốt khi dẫn dắt các nước tiếp tục tham gia TPP, bà nhận định điều này cũng tạo cơ hội cho phía Mỹ. "Tôi cho rằng Mỹ cũng sẽ xem xét lại về TPP"- bà Lynn Kuok dự báo.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3-2010, bao gồm 12 nước thành viên là Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4-2-2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1-2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu.
Nghiên cứu sinh Lynn Kuok đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (châu Á) cho rằng Mỹ đang đánh mất cơ hội kinh tế khi không tham gia TPP
Tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3-2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Mỹ). CPTPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 nước hoặc một nửa số thành viên CPTPP phê chuẩn hiệp định này.
CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ các cam kết của Mỹ hoặc với Mỹ; 22 điểm tạm hoãn chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên và một số sửa đổi trong các thư song phương giữa các bên của CPTPP.
Hồi giữa tháng 7-2018, Singapore trở thành nước thứ ba phê chuẩn CPTPP. Mexico là nước đầu tiên phê chuẩn thỏa thuận vào tháng 4, sau đó là Nhật Bản vào ngày 6-7. Các nước còn lại trong khối là Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Bình luận (0)