xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng: Cần tìm giải pháp phát triển kinh tế mà vẫn chống được dịch

Thế Dũng

(NLĐO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Nếu chỉ tập trung chống dịch thì hết nguồn lực, còn chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân. Vì vậy, cần tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn".

Sáng nay 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và 63 tỉnh thành về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thủ tướng: Cần tìm giải pháp phát triển kinh tế mà vẫn chống được dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng DN trong nước và DN FDI. DN có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng DN trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

"Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với DN và của DN với Đảng, Nhà nước, nhân dân"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng đất nước đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Nhưng tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DN, người lao động, người dân.

Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, đã từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Thủ tướng: Cần tìm giải pháp phát triển kinh tế mà vẫn chống được dịch - Ảnh 2.

Thủ tướng gặp gỡ đại diện doanh nghiệp tại hội nghị

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…

Thủ tướng đề nghị hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

"Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn DN phải đóng cửa

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng DN ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo ông Công, trước thềm hội nghị này, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội DN (bao gồm các hiệp hội trong nước, các hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh HTX) và DN cả nước. Từ đó, VCCI đã nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN để báo cáo Thủ tướng tại hội nghị này.

"Chúng ta không được quên, mỗi tháng qua đi là cả chục ngàn DN phải đóng cửa, rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và có nguy cơ kéo dài. Bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh"- Chủ tịch VCCI lo ngại.

Theo ông Công, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85 ngàn DN, tức trên 10% số DN cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 ngàn DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Và đằng sau mỗi DN phải ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Cụ thể, với các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam chỉ có khoảng 30% số DN còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ", nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lao động, công suất giảm chỉ còn 40-50%. Với các DN ngành gỗ, đã có trên 50% số DN ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Ngành lữ hành, lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dài từ năm 2019 đến nay; công suất phòng trung bình cả nước chỉ đạt 15%, nhiều nơi dưới 10%, nhiều cơ sở phải đóng cửa.

Theo phản ánh từ các hiệp hội DN của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được "3 tại chỗ", còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng ngừng sản xuất.

Về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 DN thì có 9 DN phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

"Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN đang hoạt động ở các vùng này báo cáo phải cho người lao động thôi việc"- ông Công nói.

Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của DN Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng, trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Chủ tịch VCCI cho rằng, đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái Zero Covid, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ. Tình hình đã thay đổi, cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch. Cộng đồng DN thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ "Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".

Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh.

Người đứng đầu VCCI đề xuất 2 chủ trương tháo gỡ.

Thứ nhất, cần nhìn nhận các DN là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của DN, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế. Do vậy, cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.

Bên cạnh đó, "mục tiêu kép cần có nhiệm vụ kép" và tương ứng với quan điểm mới của Thủ tướng về chung sống lâu dài với Covid-19, VCCI đề nghị xem xét đổi tên các "Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19" thành "Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế", để cùng với nhiệm vụ chống dịch, việc duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các DN. Trong cơ cấu Ban Chỉ đạo phòng chống Covid các cấp cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng DN.

Cộng đồng DN đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Đề nghị ban hành một văn bản pháp luật mới thay thế các Chỉ thị 15, 16, 19… với nội dung phù hợp tình hình mới, chiến lược chống dịch mới và quan điểm "sống chung lâu dài với dịch bệnh". Hơn nữa, chỉ thị không phải một hình thức văn bản pháp luật, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cấp bách, không nên sử dụng lâu dài.

Kiến nghị có chủ trương, chính sách phát huy, hỗ trợ các DN đã có sẵn phòng y tế, tổ y tế nâng cao năng lực, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19, huấn luyện thực hiện "Y tế tại chỗ" để tham gia hoạt động chống dịch tại DN.

Đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống "Thẻ xanh Covid-19", thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đề nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời cho triển khai nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, quy định mới, kể cả pháp luật, để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của DN trong điều kiện bình thường mới.

Đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi DN, VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng ít nhất 30% số lượng các thủ tục hành chính liên quan tới DN được thực hiện theo phương thức điện tử, không tiếp xúc; rút ngắn 1/3 các thời hạn quy định cho các thủ tục này.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN.

VCCI cho đề xuất các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP, thì với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỉ đồng, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng.

Về các giải pháp trung và dài hạn, VCCI cũng đề nghị xây dựng ngay từ bây giờ các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững, như: Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đẩy mạnh cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định FTAs......

Vừa qua, VCCI đã chủ trì thành lập Hội đồng Hợp tác DN ứng phó Covid-19. Hội đồng là cơ chế hợp tác, kết nối các DN, hiệp hội DN với nhau và với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của Hội đồng, VCCI xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo có cơ chế để VCCI và Hội đồng kết nối, phối hợp công tác trực tiếp với các Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 ở cấp quốc gia cũng như các ngành, các địa phương, qua đó các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN được tiếp nhận, xử lý nhanh, hiệu quả hơn.

Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo