Chiều ngày 19-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã có cuộc hội đàm.
Tại hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao, cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại - đầu tư trên cơ sở 2 bên cùng có lợi; khẳng định tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỉ USD và cao hơn nữa.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Phía Myanmar đánh giá cao các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân Myanmar .
Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao…
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục phát huy những lĩnh vực hợp tác quan trọng khác gồm tài chính, viễn thông, năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp, giao lưu nhân dân; hoan nghênh việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, tư pháp, giáo dục, văn hóa; nhất trí sớm ký các thoả thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã chứng kiến lễ ký kết 2 văn kiện hợp tác giữa hai nước gồm Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ Thông tin và Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức - Ảnh: VPG/Quang Hiếu
Myanmar có quan hệ rất sớm với Việt Nam. Năm 1947, Việt Nam đặt Cơ quan thông tin tại Yangon, sau được nâng cấp lên thành Cơ quan đại diện chính phủ (1948) và nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào 28-5-1975. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Aung San, người cha đáng kính của bà Aung San Suu Kyi, xác lập đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị lâu đời.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar tháng 8-2017 đã đánh dấu mốc quan trọng, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác hợp tác toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao-Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bà San Suu Kyi là một nhân vật nổi tiếng trên chính trường. Xuất thân từ gia đình một vị tướng anh hùng của Myanmar, bà San Suu Kyi đã dành gần như cả đời để đấu tranh cho cải cách dân chủ ở Myanmar.
Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San - anh hùng độc lập của Myanmar. Vị tướng này bị ám sát trong thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 7-1947, chỉ 6 tháng trước khi Myanmar độc lập. Lúc đó bà Suu Kyi mới được 2 tuổi.
Năm 1960, bà đi Ấn Độ cùng với người mẹ Daw Khin Kyi, người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Myanmar ở Delhi. Bốn năm sau, bà sang Đại học Oxford ở Anh, nơi bà học triết, chính trị và kinh tế học. Tại đó, bà gặp người chồng tương lai của mình, viện sĩ Michael Aris.
Sau quãng thời gian sống và làm việc ở Nhật Bản và Bhutan, bà định cư ở Anh để nuôi dạy 2 đứa con của mình, Alexander và Kim, nhưng quê hương Myanmar không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà. Khi quay trở lại Yangon (Myanmar) vào năm 1988 để chăm sóc mẹ già đang ốm nặng, đất nước của bà chìm trong dòng xoáy chính trị lớn.
Trong diễn văn ở Yangon vào ngày 26-8-1988, bà phát biểu: "Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể thờ ơ với những gì đang diễn ra". Từ đó bà dấn thân vào việc dẫn dắt phong trào đối lập chống lại thủ lĩnh quân sự khi đó là tướng Ne Win.
Trong thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2010, bà có nhiều thời gian bị tù đày do nỗ lực khôi phục nền dân chủ ở đất nước Myanmar khi đó nằm dưới quyền quản lý của quân đội. Thực tiễn này đưa bà trở thành một biểu tượng quốc tế cho việc phản kháng hòa bình chống áp bức.
Năm 1991, bà được trao Giải Nobel Hòa bình và vị chủ tịch Ủy ban Nobel đã gọi bà là "một tấm gương tiêu biểu về quyền lực của người không có quyền".
Tháng 11-2015, nữ chính trị gia Aung San Suu Kyi lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm. Chiến thắng này xuất hiện đúng 5 năm sau ngày bà San Suu Kyi được thả tự do, thoát khỏi cảnh quản thúc tại gia trong 15 năm liền.
Tiểu sử bà Aung San Suu Kyi
1. Thông tin cá nhân:
Họ và tên: Aung San Suu Kyi
Ngày sinh: 19 tháng 6 năm 1945
Nơi sinh: Rangoon, Myanmar
Học vấn: Thạc sĩ văn chương
Địa chỉ nhà riêng: 54/56, Đại lộ University, thị trấn Bahan, Rangoon, Myanmar
2. Quá trình giáo dục:
1948 – 1957: Tu viện St. Francis, Rangoon, Myanmar
1957 – 1960: Trường Trung học Methodist English, Rangoon, Myanmar
1960 – 1961: Tu viện Jesus and Mary, New Delhi, Ấn Độ
1961 – 1964: Cao đẳng Lady Shri Ram, New Delhi, Ấn Độ
1964 – 1967: Cao đẳng St. Hugh’s, Oxford, Vương quốc Anh
1985: Trường Nghiên cứu Oriental and African, Luân Đôn, Anh.
3. Quá trình công tác:
1968: Trợ lý nghiên cứu, Trường Nghiên cứu Oriental and African, London, Anh
1969 – 1972: Thành viên Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc, New York
1972 – 1972: Chuyên viên nghiên cứu, Bộ Ngoại giao, Bhutan
1985 – 1986: Học giả, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto
1986 – 1987: Học giả, Viện Nghiên cứu Cao cấp Ấn Độ, Simla
1988: Đồng sáng lập Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD)
1988 – 2011: Tổng Thư ký Đảng NLD
2012 đến nay: Chủ tịch Đảng NLD
3-2016 đến nay: Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống
4-2016 đến nay: Cố vấn Nhà nước.
Hợp tác kinh tế song phương Việt Nam-Myanmar thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ: khối lượng thương mại 2 chiều năm 2017 đạt gần 830 triệu USD, tăng 51% so với năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà hai nước đã đặt ra. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước đã có sự đảo chiều từ năm 2012. Nếu như trước đó, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với Myanmar thì đến năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên đạt được mức thặng dư 8,3 triệu USD trong trao đổi hàng hóa với quốc gia này. Tốc độ buôn bán hai chiều đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 27,3%/năm ghi nhận trong giai đoạn 2010-2016 và đã đạt mức tăng 51% trong năm 2017.
Về đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 17 dự án và 2,1 tỉ USD vốn đăng ký, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar. Nổi bật nhất là dự án đầu tư của Viettel trong lĩnh vực viễn thông của Myanmar (tổng vốn đầu tư của liên doanh là 1,384 tỉ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần). Dự án này góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 10 lên thứ 7 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Myanmar.
Tính đến tháng 12-2017, Việt Nam có hơn 196 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam (thêm các doanh nghiệp điện, mạng internet, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa kính khung nhôm, thức ăn chăn nuôi…).
Bình luận (0)