xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng nói về "cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn"

D.Ngọc

(NLĐO)- Phóng viên nêu câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về "cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn được coi là một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020 và ảnh hưởng đến đoàn kết, thống nhất của ASEAN".

Chiều 15-11, chủ trì họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí.

Thủ tướng nói về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Về câu hỏi của phóng viên muốn biết bình luận của Thủ tướng về "cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn được coi là một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020 và ảnh hưởng đến đoàn kết, thống nhất của ASEAN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có các nước Đông Nam Á.

ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều mong muốn các nước lớn có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới, xây dựng ASEAN gắn và chủ động thích ứng. Trên tinh thần ấy, Việt Nam đã đoàn kết cùng các nước thành viên ASEAN "thống nhất trong lập trường, nhất quán trong hành động, chân thành trong hợp tác" cùng với đối tác phấn đấu vì một khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ.

Thủ tướng nói về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phóng viên Hãng thông tấn nước ngoài chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và nêu câu hỏi về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi ông Joe Biden đắc cử thì sẽ chú ý đến vấn đề nhân quyền tại ASEAN. "Vậy các nhà lãnh đạo ASEAN có thảo luận về vấn đề này chưa, kết quả như thế nào?"

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ và dù ai thắng cử thì nước Mỹ vẫn là người bạn, có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ ASEAN - Mỹ cũng tốt đẹp như vậy. ASEAN chưa thảo luận xung quanh vấn đề nhân quyền mà ông Joe Biden (nếu có) đặt ra vì đây không phải là chủ đề mà các nước ASEAN đưa ra thảo luận. Hợp tác lớn nhất của ASEAN - Mỹ là kinh tế, thương mại, đầu tư vì đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN là Mỹ, đồng thời là nhà đầu tư FDI lớn nhất với tổng mức đầu tư 330 tỉ USD vào ASEAN.

Có thể nói sự phát triển không ngừng của thương mại và đầu tư của Mỹ, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên đã thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển lâu dài của quan hệ, kể cả Việt Nam và các nước ASEAN. Các nước ASEAN đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lẫn nhau, cùng mong muốn xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh.

Mỹ cũng là đối tác quan trọng của ASEAN trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thông qua nhiều chương trình, dự án. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tích cực tham gia vào nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN. "Tôi tin rằng quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ đã phát triển trong hơn 4 thập kỷ qua, sẽ tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã thành công tốt đẹp với hơn 20 phiên họp cấp cao, trên 80 văn kiện đã được thông qua, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Hội nghị đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực, cụ thể đối với các nước, đặc biệt với gần 630 triệu người dân ASEAN.

Trong đó có những giải pháp cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19 một cách tốt nhất với những biện pháp hết sức cụ thể, mạnh mẽ. Các bên cũng đã thảo luận những biện pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm trong nội khối ASEAN, trong đó có một sự kiện rất nổi bật là ký kết Hiệp định RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác.

ASEAN cũng đã thảo luận các vấn đề về an ninh, hòa bình trong khu vực, nhất là vùng biển ASEAN và các đối tác liên quan để các bên ngày càng hiểu biết nhau hơn, với luật pháp quốc tế làm nền tảng.

"Chúng tôi đã đưa ra nhiều sáng kiến để thực hiện tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau""- Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh "Chúng tôi đã nhất trí nỗ lực hơn nữa thu hẹp khoảng cách phát triển, đưa hợp tác tiểu vùng, đưa các vùng miền xa xôi như Mê Kông, những tam giác phát triển của ASEAN hội nhập với dòng chảy chung của cộng đồng".

Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên ASEAN đã tổ chức Thượng đỉnh phụ nữ ASEAN với sự góp mặt của đông đảo các nhà lãnh đạo nữ trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng đánh giá cao đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN với thành công của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh đã được tổ chức với nhiều lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ tham gia. Đặc biệt với sự tham gia của 2.500 doanh nghiệp tại nhiều nước đã tạo không khí mới cho hợp tác giai đoạn mới sau khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực.

Trong nhiều năm qua, quan hệ đối ngoại đã trở thành một phần quan trọng trong hợp tác ASEAN, đặc biệt lần này Hội nghị Đông Á với 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác đã thảo luận một cách khách quan, trách nhiệm, trên tinh thần hợp tác và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, thể hiện một lần nữa hình ảnh năng động, kết nối, gần gũi, thân ái của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN.

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đều khẳng định trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 và tình hình quốc tế, khu vực, vấn đề hợp tác, bảo đảm hòa bình, ổn định trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Một tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, các quyền chính đáng của các quốc gia theo luật pháp quốc tế được các nước đề cao và nhấn mạnh.

Lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định hướng tới xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, nơi tự do hàng hải và hàng không được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Các nước đề cao việc kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Hội nghị Đông Á lần này lấy mục tiêu dùng đối thoại làm công cụ với hợp tác là phương châm.

Mở cửa để Ấn Độ tham gia RCEP

Trả lời câu hỏi về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Thủ tướng cho biết Hiệp định tạo ra thị trường có quy mô GDP hơn 26.000 tỉ USD, dân số 2,2 tỉ người, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Xác định tầm quan trọng như vậy, cho nên các nước ASEAN đặc biệt đã thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng là ký hiệp định này.

Các nước ASEAN luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia RCEP và chào đón, tạo mọi điều kiện để Ấn Độ sẽ tham gia một cách thuận lợi nếu Ấn Độ thấy điều đó là cần thiết. "Tóm lại, chúng tôi hoan nghênh Ấn Độ tham gia hiệp định"- Thủ tướng nêu rõ.

(Trước đó, Ấn Độ đã tham gia đàm phán RCEP từ đầu (năm 2012), nhưng sau đó đã rút khỏi hiệp định vào năm 2019 do còn nhiều điểm chưa được giải quyết).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo