Chiều nay, 13-11, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14-11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz
Tháp tùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam dự kiến gồm 10 thành viên: Ông Steffen Hebestreit, Quốc vụ khanh, Người phát ngôn Chính phủ; bà Franziska Brantner, Nghị sĩ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu; ông Guido Hildner, Đại sứ Đức tại Việt Nam; ông Jens Plötner, Cố vấn Chính sách đối ngoại và An ninh của Thủ tướng; ông Steffen Meyer, Cố vấn Chính sách kinh tế của Thủ tướng; bà Jeannette Schwamberger, Chánh Văn phòng Thủ tướng; ông Ralph Böhme, Vụ trưởng, Văn phòng Thủ tướng; bà Barbara Schumacher, Cố vấn, Văn phòng Thủ tướng; ông Romeo Deischl, Cố vấn, Văn phòng Thủ tướng; bà Janine Kluge, Cố vấn, Văn phòng Thủ tướng.
Dự kiến chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Olaf Scholz tại Phủ Chủ tịch; sau đó hai Thủ tướng hội đàm và gặp gỡ báo chí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Đức và đoàn. Hai Thủ tướng tham dự Hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam - Đức và dự chiêu đãi chính thức.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10-2011. Đây cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Đức nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2017 và đặc biệt là sau khi cả hai nước có chính phủ mới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam sẽ mở ra một chương mới tươi sáng trong quan hệ hợp tác và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, là cột mốc khẳng định hai nước đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, thách thức đối với việc phát triển quan hệ song phương thời gian qua, trong đó một phần gây ra bởi dịch bệnh cũng như tình hình phức tạp của khu vực và thế giới, thể hiện cam kết và quyết tâm chung tay đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, từ đầu tư - kinh doanh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đến an ninh - quốc phòng, hợp tác giữa các địa phương…
Hai nước cũng hỗ trợ và ủng hộ nhau chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Năm 2017, khi là Chủ tịch G20, Đức đã mời Việt Nam - lúc đó là chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - tham gia với tư cách khách mời đặc biệt của chủ nhà. Năm 2022, trên cương vị là Chủ tịch G7, Đức đã thúc đẩy việc lựa chọn Việt Nam là một đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với G7.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sinh ngày 14-6-1958, là cử nhân luật, Đại học Hamburg. Ông đã kết hôn, không có con.
Từ 1975 đến nay, ông là thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của Đức (SPD).
Từ năm 1998 - 2011, ông là Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức.
Từ năm 2007 - 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Đức; Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ SPD.
Từ năm 2011 - 2018, ông là Thị trưởng thành phố/bang Hamburg.
Từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2021, ông là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức.
Từ ngày 8-12-2021 đến nay, ông là Thủ tướng Đức.
Thủ tướng Scholz và phu nhân đã từng đi du lịch Việt Nam (khoảng thời gian 2014 - 2015), yêu thích ẩm thực Việt Nam, trong đó có món phở. Ông hay đến thưởng thức các nhà hàng Việt Nam tại Hamburg.
Trong các phát biểu nhậm chức (vào tháng 12-2021) và tại Hội nghị Cấp cao G7 (26 đến 28-6-2022), Thủ tướng Scholz đều nhắc đến Việt Nam như một đối tác quan trọng, giàu tiềm năng mà Đức muốn tăng cường hợp tác.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Đức, Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,45 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Đức đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Về đầu tư, hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam. Tính đến tháng 8-2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,31 tỉ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 10-2022, Việt Nam có 36 dự án đầu tư sang Đức, với tổng vốn đăng ký là 283,3 triệu USD.
Đặc biệt, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỉ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam.
Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là "Đối tác toàn cầu" trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 của Đức. Tại kỳ đàm phán cấp Chính phủ về Hợp tác phát triển Việt Nam - Đức ngày 20 đến 23-7-2021, Chính phủ Đức tiếp tục cam kết vốn ODA cho Việt Nam trị giá trên 143,5 triệu Euro trong giai đoạn 2022 - 2023.
Bình luận (0)