Chiều 18-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đi khảo sát Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ, TP HCM).
Đi cùng đoàn công tác có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ngành, TP HCM khảo sát Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Đoàn công tác xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển đến cù lao Phú Lợi (địa điểm xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) bằng tàu thủy. Thời gian di chuyển hơn 60 km đường sông từ trung tâm TP HCM đến cửa biển Cần Giờ, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và TP HCM khảo sát thêm tiềm năng, kế hoạch phát triển sông Sài Gòn.
Trên tàu, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast (đơn vị tư vấn) giới thiệu khu vực sẽ triển khai dự án; những điểm thuận lợi về vị trí địa lý tự nhiên để xây dựng cảng; cửa ngõ giao thương thế giới... góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng nghe giới thiệu về dự án xây cảng Cần Giờ
Sau khi nghe thông tin về dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải xem dự án cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải là một, hỗ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau. Cảng Cần Giờ sẽ thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế.
Nhận định dự án xây dựng cảng sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn, Thủ tướng yêu cầu công tác về đánh giá, nghiên cứu dự án phải được triển khai khẩn trương. Các bộ ngành liên quan phối hợp với TP HCM và các cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7 này. Việc đánh giá phải kỹ, minh bạch để gửi hồ sơ cho nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng lưu ý nghiên cứu kỹ 3 vấn đề hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để cập nhật vào quy hoạch, làm cơ sở triển khai.
Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD.
Theo đề án, sau khi hình thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Ngoài ra còn tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)