Sáng 5-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Nhật Bắc
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).
Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP HCM thay thế dần biến thể Delta.
Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.
Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2-2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.
Cũng theo Bộ Y tế, đến ngày 3-3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc-xin; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc-xin), tiêm được hơn 196 triệu liều.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, cơ bản Việt Nam đã bao phủ 2 liều vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng).
Đến hết quý I-2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng vắc-xin hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng.
"Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về các biện pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vắc-xin trong tháng 3 này; ưu tiên quản lý nhóm nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, điều trị tại nhà... Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vắc-xin + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến dịch tiêm vắc-xin đã thành công
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn số liệu so với tháng trước, tháng này, số ca mắc tăng trên diện rộng nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%.
"Hiện đã hoàn thành các thủ tục để mua 22 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi điện đàm với Thủ tướng, lãnh đạo hãng Pfizer đã cam kết cố gắng hoàn thành việc bàn giao vaccine chậm nhất trong quý II/2022"- Thủ tướng nói và khẳng định vắc-xin là "lá chắn" an toàn nhất trong phòng, chống dịch.
Chiến dịch tiêm vắc-xin đã thành công, đạt tỉ lệ rất cao so với thế giới, riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đã tiêm được 14 triệu liều. Việt Nam cũng đang nghiên cứu việc tiêm mũi 4.
Việc sản xuất vắc-xin trong nước được thúc đẩy với tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết và tình hình đang có triển vọng tích cực.
Về bảo đảm thuốc điều trị, Thủ tướng cho rằng đây là việc khó nên được tiến hành rất thận trọng, hướng tới vừa giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra chưa có tiền lệ, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, vừa tuân thủ các quy định. Bộ Y tế đã cấp phép được một số loại thuốc để phòng, chống dịch. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm các loại thuốc phù hợp tình hình, thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận thời gian tới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng với dự báo diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch tốt, tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ tập trung thực hiện "đa mục tiêu" là tiếp tục ngăn chặn lây lan, tập trung kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững; chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc-xin theo tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", trong quý I phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm); hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…
Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng chữa bệnh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định cụ thể về thời gian cách ly F0, F1; nghiên cứu công bố các chỉ số, số liệu liên quan phòng, chống dịch một cách cần thiết, hiệu quả, khoa học, phù hợp tình hình và thông lệ quốc tế; hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị thống nhất, hiệu quả…
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất quy định về xuất nhập cảnh phù hợp điều kiện mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn mở cửa trường học bảo đảm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trên toàn quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn về mở cửa du lịch từ ngày 15-3.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về an sinh xã hội...
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.
Không lo thiếu ôxy
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay cung ứng ôxy y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên toàn quốc hiện đang tạm thời ổn định. Với tình hình số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tình hình cung ứng, sử dụng ôxy tại TP Hà Nội và đánh giá các đơn vị sử dụng cơ bản đã đảm bảo cơ sở vật chất và cung ứng khí ôxy y tế đáp ứng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Bình luận (0)