Sáng 13-5, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị của TP HCM.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM
Sau phần phát biểu của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP trong 4 tháng đầu năm 2021.
Toàn cảnh buổi làm việc
Về phía lãnh đạo TP HCM có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.
Phát biểu đề dẫn buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau khi kiện toàn bộ máy Chính phủ, TP HCM là địa phương đầu tiên Chính phủ làm việc.
"Sau khi TP HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ sẽ cho ý kiến trên tinh thần ngắn gọn, không giải thích, phân tích nhiều, cái nào được thì nói được, cái gì chưa được thì nói vì sao chưa được" – Thủ tướng yêu cầu.
Sau phần phát biểu của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP trong 4 tháng đầu năm 2021.
Chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn
Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ việc Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã ưu tiên chọn TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước để làm việc ngay khi nhận nhiệm vụ sẽ là một động lực, một sự khích lệ rất có ý nghĩa cho TP HCM trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết TP đã kiểm soát được dịch Covid -19, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2021 đạt 329.600 tỉ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). Các hoạt động văn hóa- xã hội được tổ chức trang trọng, chu đáo đáp ứng nhu cầu của nhân dân, xen kẽ trong các thời điểm dịch bệnh ổn định. Cùng với đó, TP cũng thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay đã được TP HCM triển khai tốt. “TP xác định đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn” – ông Nguyễn Thành Phong nói và cho biết UBND TP đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện “Thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn- Phát hiện- Cách ly- Khoanh vùng- Dập dịch”.
Tổng số ca nhiễm phát hiện tại TP từ tháng 1-2020 đến nay là 267 trường hợp. Liên quan các chuỗi lây nhiễm đang bùng phát ở nước ta, từ ngày 27-4-2021 đến nay, TP chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm tại cộng đồng liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại tỉnh Hà Nam. TP đã điều trị khỏi cho 244 trường hợp, chiếm 91,3%, hiện đang điều trị 23 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
TP luôn kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công đối với phòng, chống dịch, trong đó tấn công là chính. Đến nay, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng giám sát trên địa bàn là 431.846 mẫu.
Công tác tổ chức tiêm phòng vắc xin Covid -19 được TP triển khai nhanh chóng. TP đã tiêm vắc xin cho 59.900 người. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện nay tất cả đều ổn định. TP đã đề xuất Chính phủ cho phép chủ động mua vắc xin để tiêm cho người dân từ nguồn vận động, quyên góp của người dân và xã hội hóa.
5 nhóm kiến nghị của TP HCM
Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của TP, cụ thể là 5 nhóm đề xuất, kiến nghị.
Về phân cấp, phân quyền cho TP HCM: TP HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP HCM và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP HCM trong quý II-2021.
Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội có 4 kiến nghị: TP HCM kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022-2025 là 23%, thay gì 18% như giai đoạn hiện nay. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.
Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Về quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh: theo Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) thuộc nhóm cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 phương án: chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nêu trên khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa; chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025.
Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: TP HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP là 261.967 tỉ đồng.
Về các kiến nghị liên quan đến TP Thủ Đức, có 3 kiến nghị: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp TP xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 131/2020 và Nghị quyết số 1111, trình Chính phủ trong quý II-2021.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho Dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.
Về quản lý đô thị có 6 kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng), một số khu vực dự án như: khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha) tại Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, TP Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015 của Chính phủ.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án; đồng thời, cho phép TP lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị.
Về Dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.
Về các dự án khép kín đường Vành đai 3: Đối với dự án thành phần 1A: do nguồn vốn TP HCM gặp nhiều khó khăn, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn Trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án thành phần 1A.
Về Dự án tuyến Vành đai 4, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT: chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4, trong đó có tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng; phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem xét có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 307.
Bình luận (0)