Ngày 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 giữa Chính phủ với 63 tỉnh thành - Ảnh: Nhật Bắc
Số ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang"
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi trên thế giới, trong 2 tháng vừa qua đạt gần mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát và tâm dịch chuyển sang Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, Brazil. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, có 3 nguyên nhân chủ yếu để dịch lan rộng trở lại là do tiếp tục tình trạng thiếu vắc-xin. Ngay các quốc gia đã có vắc-xin nhưng chưa tiêm thì đều bị tăng lây nhiễm rất nhanh.
Đáng lo ngại là tính chất lây lan của các chủng mới, trong đó có biến chủng Delta đã lan rất nhanh, rộng. Cùng với đó, nhiều nước là chủ quan và sớm nới lỏng phong tỏa giãn cách mở cửa nền kinh tế cho nên cũng gây ảnh hưởng. Theo đánh giá của WHO, biến chủng mới rất nguy hiểm, rất khó kiểm soát, dự báo dịch bệnh Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2021 và thậm chí trong năm 2022. Việc kiểm soát dịch bệnh và đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào tiếp cận vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.
"Các nước coi khủng hoảng y tế lần này không còn là khủng hoảng y tế nữa mà còn là khủng hoảng về kinh tế, xã hội và tâm lý, cũng như truyền thông" - ông Bùi Thanh Sơn lo ngại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì cho biết tình hình dịch bệnh trong nước đang diến biến phức tạp. Tại TP HCM, số ca mắc phát hiện từ các khu dân cư công đồng, khu phong toả trong thời gian qua rất cao cho thấy việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng còn mạnh. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế đã có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lây lan dịch bệnh. Việc giãn cách xã hội trên địa bàn đã được thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dự báo thời gian tới số ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang", sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thực hiện cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, giảm giao lưu, tiếp xúc. Do dịch bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây nhiễm và lây lan đến nhiều địa điểm, khu vực trong thời gian dài.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, tại các tỉnh lân cận với TP HCM như Bình Dương, Long An đã xuất hiện mô hình lây lan tương tự TP HCM ở giai đoạn đầu. Số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, song do áp dụng các biện pháp giãn cách sớm, dân số và mật độ dân cư không cao như TP HCM, do vậy diễn biến dịch bệnh sẽ giảm mức độ phức tạp.
Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.
Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái, trong khi Bộ Y tế đã hướng dẫn xét nghiệm nhanh cũng có thể làm mẫu gộp, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực.
Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TP HCM, nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt...
Về sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải rất an toàn. Nguyên lý của sản xuất "3 tại chỗ" là vẫn phải giữ giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị lây và có thể cách ly ngay tại chỗ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông
Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng về kinh tế - xã hội
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tình nguyện viên… đã sát cánh cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương ở miền Nam, miền Trung. Tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp trên thế giới, nhất là biến chủng Delta bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong tại nhiều nước, kể cả các quốc gia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Thủ tướng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác chống dịch thời gian qua. Như việc chuẩn bị "4 tại chỗ" chưa tốt, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp thì mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết về nguy cơ lây lan, phát triển của dịch, cho nên ý thức chấp hành các quy định, hướng dẫn chưa nghiêm.
"Dịch lây giữa người với người, nên chấp hành nghiêm việc giãn cách thì ngăn chặn ngay được sự lây lan" - Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh nội dung này.
Thủ tướng cho rằng phải bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất, "an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn". Kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa sản xuất đã có tại nhiều địa phương và việc tổ chức sản xuất tốt cũng là một biện pháp cách ly nếu an toàn.
"Một mục tiêu khác là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý khi thực hiện cách ly, giãn cách phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.
Thủ tướng yêu cầu TP HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.
Thay đổi chính sách ưu tiên về vắc-xin
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc-xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vắc-xin cho TP HCM. Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc-xin cho TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.
TP HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.
Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…
Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc-xin, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc-xin và thời gian. Rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc-xin trong nước để có thể làm chủ trong vấn đề này. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.
Tiếp tục nghiên cứu việc hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TP HCM và các tỉnh có khu công nghiệp nói riêng, người bị mất thu nhập nói chung trên cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các công nghệ và hướng dẫn ứng dụng công nghệ để góp phần phòng chống dịch. Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Bộ Tài chính phân bổ thêm ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nguồn lực trên cơ sở cân đối ngân sách và tiết kiệm.
Bình luận (0)