Tối 15-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Văn bản nêu rõ, trong những ngày gần đây, dư luận phản ánh có tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực trên.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco cho rằng đã có báo cáo sự việc với cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
"Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm"- văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, báo cáo kết quả trước ngày 25-10.
Trước đó vào chiều cùng ngày, hơn 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…có mùi lạ, UBND TP Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra của đoàn công tác xác định, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.
Dầu thải đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - Viwasupco). Doanh nghiệp này đã phát hiện ra sự việc nhưng đã không báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội.
Theo ông Lê Văn Dục, kết quả cho thấy các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).
Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi "khét" có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN)”- ông Dục thông tin.
Trong khi Viwasupco chưa thể súc xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, TP Hà Nội khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống. Việc nấu ăn, uống tạm thời dùng nước chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.
Để cung cấp kịp thời nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng, Hà Nội bố trí các xe téc của Công ty nước sạch TP túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. "Khi cần đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng điện đến số 0903461980 để được cung cấp"- Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco cũng dự buổi họp báo và nhận được nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc không báo cáo sự cố đối với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên ông Tốn phủ nhận việc này và cho biết đã báo cáo với cơ quan tỉnh Hòa Bình và đã có lập biên bản sự việc đổ dầu thải xuống suối nước. Theo vị này, nhà máy nằm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên báo cáo với địa phương này mà không báo cáo với Hà Nội.
Bình luận (0)