Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới.
Theo đó, thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đề xuất việc cho phép được đàm phán, tìm nguồn và nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân; xin được giữ lại một phần bằng vắc-xin sau khi đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vắc-xin trên thế giới.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vắc-xin, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc-xin kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả; có văn bản hướng dẫn và thực hiện thống nhất về tỷ lệ ưu tiên sử dụng vắc-xin đối với các tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền tài trợ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Lô vắc-xin Moderna đến Việt Nam thông qua cơ chế COVAX - Ảnh: UNICEF
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 để có nguồn vắc-xin sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vắc-xin phòng Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc-xin. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc-xin này.
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Đối với các loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc-xin đó.
Đồng thời khi vắc-xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc-xin vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vắc-xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc-xin đó để có thể sử dụng theo quy định của WHO.
Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc-xin, đảm bảo an toàn vắc-xin và chống việc giả mạo vắc-xin.
Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc-xin về Việt Nam, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất.
Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc-xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng lưu ý hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vắc-xin. Do vậy các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vắc-xin, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vắc-xin giả mạo hoặc bị lừa đảo, như tổ chức Interpol đã cảnh báo.
Bình luận (0)