ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26 dự thảo luật về việc yêu cầu các tổ chức cơ quan ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng tại Việt Nam là khó khả thi.
Sáng 29-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng. Đã có 18 đại biểu (ĐB) phát biểu, trong đó có 7 ĐB tranh luận.
Một trong những nội dung được các ĐB băn khoăn và tranh luận nhiều nhất là quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26 dự thảo luật: "Lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam".
ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam.
Nêu quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26 dự thảo luật, vị ĐB này khẳng định là "khó khả thi" bởi hiện nay máy chủ các dịch vụ mà người Việt Nam thường xuyên sử dụng như Facebook, Google... đều đặt tại nước ngoài.
"Yêu cầu này không phù hợp với tình hình thực tiễn và làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dùng Việt Nam"- nữ ĐB Thanh Hóa nói.
Cùng chung băn khoăn, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng quy định về việc đặt văn phòng đại diện, đặt dữ liệu người dùng tại Việt Nam nếu thực hiện được sẽ hữu ích trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. "Nhưng sẽ ra sao nếu quy định rồi mà các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không thực hiện? Liệu có cho ngưng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hay không?"- ĐB Thưởng nêu và đề nghị cần có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ hiện nay, cũng như cam kết của Việt Nam với nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định buộc nhà cung cấp đặt văn phòng, dữ liệu người dùng tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền lợi người dùng cũng như giúp việc xử lý các vấn đề phát sinh dễ dàng hơn. Thực tế một số công ty cung cấp dịch vụ lớn như Facebook cũng đã đặt trụ sở tại 80 nước, các nước này đặt vấn đề an ninh quốc gia lên trên hết và buộc nhà cung cấp dịch vụ phải chấp hành.
Tiếp thu và giải trình các phát biểu của các ĐB, thay mặt cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ sự cảm ơn các đại ĐB đã phát biểu "rất tâm huyết và trách nhiệm, có những ý kiến rất sâu sắc".
Với 8 nhóm vấn đề mà các ĐB đã đề cập, ông Võ Trọng Việt cho biết xin tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý rõ hơn, sâu hơn, tuy nhiên ông cũng "đề nghị QH xin cho giữ nguyên như dự thảo".
Bình luận (0)