Ngày 20-12, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2022, tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2022 và triển khai thực hiện chủ trương, quyết nghị của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ năm 2023.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, dự và chỉ đạo hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo QĐND
Tại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã có bài phát biểu quan trọng.
Tổng Bí thư nêu rõ năm 2022, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân triển khai sâu rộng nhiều chủ trương, chính sách mới để cụ thể hoá, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
"Trong thành tựu chung của đất nước, Quân đội đã có những đóng góp quan trọng, rất đáng khen ngợi" - Tổng Bí thư biểu dương.
Về kết quả đạt được trong năm 2022, Tổng Bí thư nhấn mạnh Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã xác định rõ phương hướng, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhất là tập trung khắc phục những khâu yếu, việc khó và thực hiện có hiệu quả ba đột phá để định hướng cho toàn quân thực hiện.
Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và toàn quân đã thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, từ đó đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp trong việc hoạch định các chính sách, đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là các tình huống diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, phức tạp, không để bị động, bất ngờ. Đây là điều rất căn bản để giữ được "trong ấm, ngoài êm" trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt như hiện nay, không phải quốc gia nào cũng làm được.
Toàn quân luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng và các địa bàn trọng điểm; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, trinh sát, kiểm soát hoạt động của các nước trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Trong năm 2022, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức rất thành công nhiều cuộc diễn tập lớn cả ở trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Cuộc diễn tập MT-22; diễn tập đặc công Việt Nam - Lào; diễn tập cứu hộ, cứu nạn Việt Nam - Lào - Campuchia; diễn tập bắn đạn thật mục tiêu mặt đất, mặt biển ban ngày, ban đêm cho lực lượng không quân…
Đồng thời, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được đẩy mạnh, thiết thực, hiệu quả, tiếp tục là điểm sáng, là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa". Trong đó, đã tổ chức thành công các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; các hoạt động năm đoàn kết Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia; triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất và các hoạt động hợp tác với các nước về quân sự, quốc phòng.
Kịp thời tham mưu và xử lý nhanh, hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong hợp tác quốc phòng với Nga - Ukraine và các đối tác liên quan. Tích cực tham gia hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương, song phương và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; củng cố lòng tin, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng vẫn có những hạn chế, khuyết điểm chậm được khắc phục. Đáng lưu ý là, việc xử lý một số thông tin xấu độc trên không gian mạng chưa kịp thời, hiệu quả. Phương pháp nắm, quản lý, giải quyết tư tưởng bộ đội; tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên còn yếu. Đặc biệt là trong quân đội còn một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, ý thức kỷ luật kém, vi phạm kỷ luật, pháp luật.
"Còn có vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhưng chậm được phát hiện, xử lý, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín, danh dự của Quân đội. Đó là điều khiến chúng ta rất đau xót, trăn trở, suy nghĩ" - Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định năm 2023, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định; có những vấn đề, sự việc xảy ra ngoài dự báo. Các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là xung đột quân sự Nga - Ukraine còn tiếp tục diễn ra gay gắt, tác động nhiều mặt đến các quốc gia. Xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng,... Biển Đông, vùng biển Tây Nam tiềm ẩn nhiều bất trắc.
Việc điều chỉnh tổ chức lực lượng cũng đặt ra những yêu cầu mới về công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách trong Quân đội...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ảnh: TTX VN
Tổng Bí thư tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo tổng kết và lưu ý thêm một số nội dung.
Một là, cần chủ động, nhạy bén, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng và Nhà nước về quân sự, quốc phòng; có đối sách xử lý phù hợp, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chú trọng tham mưu, xử lý linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả quan hệ quốc tế; các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; các vấn đề biên giới, biển đảo, nhất là Biển Đông.
Tham mưu hoàn thành có chất lượng việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; sơ kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược quân sự, quốc phòng.
Hai là, toàn quân cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa việc thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng ở tất cả các cấp. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức Quân đội trong tình hình mới; phát huy tốt vai trò nòng cốt của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới đất liền và các vùng biển đảo, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, "phên giậu", bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo quốc gia.
Ba là, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng. Phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh, trật tự trên phạm vi cả nước; chủ động ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống.
"Triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và có hiệu quả rõ rệt Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, liên quan đến công tác tư tưởng, công tác chính sách" - Tổng Bí nhấn mạnh.
Bốn là, bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần, kỹ thuật và các mặt công tác khác, đáp ứng các nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ sản xuất một số sản phẩm quốc phòng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại trong tình hình mới.
Năm là, chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng song phương, đa phương. Tạo thế đan xen lợi ích và củng cố sự tin cậy chiến lược với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống.
Kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hoà, linh hoạt đối tác, đối tượng quốc phòng, không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc, không "chọn bên". Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" bằng biện pháp hòa bình. Tham gia có trách nhiệm vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Đất nước và Quân đội.
Sáu là, đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh phương thức lãnh đạo, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới và Nghị quyết 847, ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ".
"Tôi đề nghị Đảng bộ Quân đội phải làm gương, làm mẫu về mọi mặt trong toàn Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, phải luôn luôn "tự soi, tự sửa" để trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, phức tạp đến đâu thì phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" vẫn được giữ vững; đấu tranh có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực..." - Tổng Bí thư giao nhiệm vụ.
Hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng
Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết năm 2023, tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các cấp vững chắc. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội. Điều chỉnh bố trí lực lượng phù hợp với tiến trình điều chỉnh tổ chức quân đội. Hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận (0)