Việt Nam đóng góp cho COVAX 1 triệu USD
Chiều tối 28-11, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva và có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus. Ảnh: TTXVN
Cùng dự có Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghegreyesus hoan nghênh và cảm ơn Chủ tịch nước cùng Đoàn Việt Nam đã dành thời gian đến thăm trụ sở WHO.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò điều phối quan trọng của WHO trong lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng, tăng cường năng lực ứng phó dịch bệnh; ủng hộ những nỗ lực của Chương trình COVAX và các tổ chức vận hành COVAX, trong đó có WHO và GAVI trong thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD, nằm trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX, qua đó thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ về việc Việt Nam đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đề nghị WHO, GAVI, Chương trình COVAX quan tâm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, năng lực tiêm chủng mở rộng; đề nghị Chương trình COVAX tiếp tục phân bổ và điều chuyển vắc-xin tới Việt Nam càng nhanh và càng nhiều càng tốt, ưu tiên vắc-xin cho trẻ em, cũng như hỗ trợ các vật tư y tế nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng giúp Việt Nam giữ vững thành quả kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch nước mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin m-RNA, là nơi sản xuất vắc-xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương; đề nghị WHO hỗ trợ kỹ thuật cho vắc-xin Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO; đồng thời đề nghị WHO có hình thức phối hợp với các nước để kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27-12) theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) - sáng kiến do Việt Nam đề xướng vào năm 2020 trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và đã được sự đồng bảo trợ của 112 quốc gia thành viên LHQ.
Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO bày tỏ ấn tượng trước những quyết tâm, nỗ lực và thành quả của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, là bài học kinh nghiệm quý báu cho cộng đồng quốc tế.
Giám đốc Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley và Giám đốc Điều hành Chương trình COVAX Aurélia Nguyen khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cung cấp vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể.
Tổng Giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vắc-xin, sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vắc-xin do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.
Ông cũng nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước, sẵn sàng có thông điệp nhân ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 năm nay theo sáng kiến của Việt Nam; đồng thời cho biết sắp diễn ra phiên họp đặc biệt của WHO nhằm để các nước thảo luận khả năng xây dựng một hiệp ước phòng chống đại dịch cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn những thảm hoạ tương tự trong tương lai, mong Việt Nam xem xét tích cực đề xuất này.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc WHO cảm ơn sự đóng góp tài chính của Việt Nam cho Chương trình COVAX và cho biết luôn sẵn sàng cùng các đối tác liên quan hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vắc-xin và chuyển giao công nghệ vắc-xin m-RNA.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghegreyesus đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam và bày tỏ ủng hộ đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc tạo cơ hội để có thêm người Việt Nam làm việc tại WHO.
Tổng Giám đốc WTO ấn tượng trước kỳ tích của Việt Nam
Chiều ngày 28-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweal. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và nỗ lực của bà Tổng Giám đốc trong việc điều hành và thúc đẩy các hoạt động của WTO, mong muốn rằng hoạt động của WTO sẽ ngày càng hiệu quả hơn, đóng góp thiết thực vào hệ thống thương mại đa biên, đặc biệt là giúp phục hồi trao đổi thương mại toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn duy trì chính sách nhất quán về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên và vai trò của WTO, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tổng Giám đốc WTO và các thành viên khác trong tất cả các hoạt động của WTO, đóng góp hết sức mình vào công việc chung của WTO. Trong thời gian tới, Chủ tịch nước cho rằng WTO cần chú trọng giải quyết một số vướng mắc kỹ thuật nhằm duy trì sự vận hành hiệu quả của WTO trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ việc tranh chấp, phòng vệ thương mại phát sinh. Việt Nam ủng hộ nỗ lực và các sáng kiến cải cách WTO trên cơ sở duy trì sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của các thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển và kém phát triển. Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các thành viên đóng góp vào thành công của các hoạt động WTO trong thời gian tới.
Về phần mình, Tổng Giám đốc WTO bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung. Từ năm 2007 khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã tăng trưởng GDP gấp 2 lần, giảm đói nghèo ấn tượng từ 14% xuống còn 2% và trở thành một trong 20 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đây là kỳ tích và Việt Nam sẽ là tấm gương để nhiều nước đang phát triển noi theo. Tổng Giám đốc WTO cũng ấn tượng về việc Việt Nam thực hiện các cam kết, nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO nói riêng; khẳng định mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy công việc của WTO ngày một hiệu quả, đáp ứng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các nước thành viên. Bà Ngozi Okonjo-Iweal cũng chia sẻ nhiều định hướng và biện pháp sắp tới của WTO nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc kỹ thuật hiện nay, đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ tham dự và đóng góp tích cực vào kết quả Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 trong thời gian tới, đóng góp vào cải cách WTO cũng như nỗ lực chung chống đại dịch.
Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động của FIFA
Chiều 28-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino tại TP Geneva, Thụy Sĩ. Đây là lần thứ 3 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ người đứng đầu FIFA.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới Gianni Infantino. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi gặp lại ông Gianni Infantino; cảm ơn ông và FIFA đã luôn dành nhiều sự hỗ trợ và ủng hộ cho bóng đá Việt Nam thời gian qua.
Chủ tịch nước và Chủ tịch FIFA nhắc lại những thành công gần đây của Bóng đá Việt Nam như Huy chương Bạc tại vòng Chung kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc), giành quyền thi đấu Vòng loại thứ ba World Cup Qatar 2022 khu vực châu Á.
Nhất trí với Chủ tịch FIFA khi khẳng định bóng đá là một trong những cầu nối văn hoá hiệu quả nhất giữa nhân dân các nước, qua đó đóng góp cho hòa bình thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị FIFA tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong các chương trình, dự án phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chuyên môn, trình độ quản lý hành chính và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, bóng đá là môn thể thao khơi gợi tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc và cũng là môn thể thao đưa các quốc gia, châu lục đến gần với nhau hơn vì hòa bình và hữu nghị trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn FIFA sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động của bóng đá thế giới sau dịch Covid-19.
Việt Nam cũng luôn ủng hộ các hoạt động của FIFA và sẽ tích cực tham gia các hoạt động do FIFA tổ chức.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Thụy Sĩ; nhấn mạnh bóng đá là một môn thể thao đồng đội, nếu muốn chiến thắng thì phải có tình bạn, sự hiểu biết lẫn nhau.
Chúc mừng thành công của các cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các nhà lãnh đạo Thụy Sĩ trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch FIFA cũng đánh giá cao việc Việt Nam có chính sách phát triển thể thao đúng đắn, trong đó có phát triển bóng đá.
Nhờ đó, phong trào bóng đá ở Việt Nam đang phát triển lớn mạnh và các đội bóng của Việt Nam liên tục tiến bộ, ngày càng cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng của FIFA.
Ông Gianni Infantino cũng khuyến nghị Việt Nam cần tạo điều kiện cho đội bóng tham gia các giải đấu khu vực và quốc tế để tăng cường cọ xát với các đội bóng khác, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn.
Ông Gianni Infantino cũng cho rằng cần thúc đẩy các giải đấu trong khuôn khổ ASEAN vì đây là khu vực có 600 triệu dân, có tiềm năng tốt. Đây cũng là khu vực được FIFA quan tâm thúc đẩy phát triển bóng đá.
Chủ tịch Gianni Infantino khẳng định FIFA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Liên đoàn bóng đá Việt Nam và mong sớm có dịp trở lại thăm Việt Nam.
Bình luận (0)