UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ về những vấn đề vướng mắc tại các dự án xây dựng tuyến metro trên địa bàn.
Theo đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được phê duyệt hồi tháng 4-2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỉ đồng. Tại thời điểm này, dự án được xác định thuộc nhóm A nên không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư tăng so với thời điểm được phê duyệt lần đầu do 3 nguyên nhân: Tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga…; sự biến động khách quan của nguyên liệu, nhiên liệu do trượt giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; cập nhật tỉ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng (do trượt giá) và tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Tại thời điểm này, phía Việt Nam không có kinh nghiệm trong việc thẩm tra lựa chọn tư vấn thẩm tra. TP sau đó đã đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để thẩm tra và JICA đã chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có một công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Thủ tướng đã cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8-2011.
Trên cơ sở đó, TP HCM đã phê duyệt dự án vào tháng 9-2011 với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỉ đồng. Tại thời điểm này, dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Vì vậy, Thủ tướng đã cho phép tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm.
Tuyến metro 1 đang dần hình thành
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, UBND TP đều có báo cáo Chính phủ về dự án. Sau đó, Bộ trưởng GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ đã báo cáo Quốc hội theo quy định. Đến nay, dự án đã ký kết được 3 hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết tương đương hơn 31.200 tỉ đồng, giải ngân được gần 12.000 tỉ đồng, đạt 38% tổng số vốn vay đã ký kết.
Bên cạnh đó, từ khi phê duyệt điều chỉnh năm 2011, dự án đã triển khai thì còn 4 gói thầu xây lắp chính và đã hoàn thành khoảng 48% khối lượng nhưng không phát sinh tăng thêm vốn đầu tư.
UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan thay mặt Chính phủ trình Quốc hội báo cáo về thay đổi tổng mức đầu tư theo quy định; đồng thời hỗ trợ TP trong việc ứng vốn để dự án được tiếp tục triển khai.
Còn tuyến metro số 2, UBND TP đã phê duyệt thiết kế cơ sở do đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện. Tuy nhiên, đến năm 2012, chủ đầu tư đã chọn một công ty liên danh của Đức làm tư vấn quốc tế, đơn vị tư vấn này đã phát hiện nhiều nội dung thiếu sót, chưa phù hợp nên phải điều chỉnh thiết kế cơ sở.
Trong hai năm 2015 và 2016, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có các văn bản đồng ý cho UBND TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án tuyến metro số 2. Đến tháng 2-2017, UBND TP đã lấy ý kiến các bộ, ngành về hồ sơ điều chỉnh dự án metro số 2. Hiện nay, ý kiến các bộ về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án có 2 quan điểm khác nhau. Các bộ Kế hoạch - Đầu tư, GTVT và Ngân hàng Nhà nước cho rằng metro số 2 là dự án chuyển tiếp nhóm A, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh thuộc UBND TP, tuy nhiên cần báo cáo Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện.
Trong khi đó, các bộ Xây dựng và Tài chính thì cho rằng metro số 2 không phải là dự án chuyển tiếp, UBND TP cần báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vì vậy, UBND TP kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án theo kiến nghị của thành phố; đồng thời giao UBND TP tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án.
Bình luận (0)