Ngày 8-3, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân (TAND) hai cấp TP HCM.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND TP HCM Ung Thị Xuân Hương cho biết thực hiện quyết định của TAND Tối cao về mở rộng thí điểm về đối mới tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND và thông báo của Thường trực Thành ủy TP về thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại TAND đến nay đã có 10 trung tâm hòa giải đối thoại (trung tâm) được thành lập (một trung tâm tại TAND TP, còn lại ở các quận, huyện).
Sau 3 tháng thí điểm các trung tâm đã tiếp nhận 4.023 đơn, các trung tâm đã hòa giải, đối thoại 2.202 đơn, kết quả có 1580 đơn được hòa giải, đối thoại thành.
Cũng theo bà Ung Thị Xuân Hương bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Công tác hướng dẫn pháp luật của TAND Tối cao về nghiệp vụ hòa giải, đối thoại chưa được thống nhất, chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn quy định còn chưa cụ thể.
Một số hòa giải viên, đối thoại viên còn nặng về nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, tập trung vào việc áp dụng pháp luật.
Nhiều vụ việc đã gửi thư mời cho đương sự nhưng đương sự không đến. Chế độ chính sách cho đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên, thư ký chưa kịp thời. "Đặc biệt, hiện nay các cơ quan, tổ chức, người dân nhận thức về ý nghĩa, lợi ích của hòa giải viên, đối thoại viên vẫn còn hạn chế" – bà Ung Thị Xuân Hương nói.
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP phát biểu tại hội nghị
Theo nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào việc hòa giải, đối thoại là biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tự nguyện thỏa thuận, thống nhất; là phương pháp giải quyết đơn giản, nhanh chóng; là tăng cường đoàn kết đồng thuận trong nhân dân.
Ông Tống Anh Hào cũng lý giải vì sao thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại. Theo ông Hào các cơ quan chức năng hiện đang thực hiện nhiều hoạt động hòa giải, đối thoại ngoài tòa án nhưng số vụ việc dân sự, khởi kiện hành chính tại tòa án hàng năm tăng. Còn hòa giải trong tố tụng dân sự thì chỉ mới hòa giải được 50% các vụ việc. Đối thoại trong tố tụng hành chính còn thấp. "Chính vì vậy, cần mở rông thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại để góp phần giải quyết nhanh chóng và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp khiếu kiện" – ông Hào giải thích.
Ông Hào cũng cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính sẽ làm giảm áp lực quá tải của tòa án. Ngoài ra hòa giải, đối thoại thành sẽ tiết kiệm và hiệu quả. Trên cơ sở kết quả thí điểm để chứng minh sự cần thiết đổi mới, bổ sung cơ chế hòa giải, đối thoại tiền tố tụng tại tòa án cũng là điều kiện để bổ sung hoàn thiện nội dung dụ án Luật Hòa giải và đối thoại tại tòa án.
Phát biểu kết luận hội nghị ông Trần Thế Lưu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP đề nghị mỗi đại biểu dự hội nghị phải chủ động tuyên truyền, giới thiệu về thực hiện cho toàn thể cơ quan đơn vị mình nắm để thực hiện trong quá trình giải quyết công việc.
Lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện công văn của UBND TP về thí điểm hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND. TAND TP luôn bám sát các hướng dẫn của TAND Tối cao, của TP về thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND.
"Sở Tư pháp phối hợp với TAND TP tiếp tục nghiên cứu tài liệu tuyên truyền, phương pháp, hình thức tuyên tuyền để phục vụ công tác tuyên truyền ở mỗi cấp mỗi ngành đạt hiệu quả…" - ông Trần Thế Lưu đề nghị.
Bình luận (0)