UBND TP HCM cho biết qua 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 249 phường, việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương trên địa bàn.
Theo thống kê, tính đến ngày 31-12-2021, TP HCM có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên, trong đó có 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân, 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân, 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân và đặc biệt có 3 phường có dân số trên 100.000 dân là Hiệp Bình Chánh – TP Thủ Đức, Hiệp Thành - quận 12 và Bình Hưng Hòa A – Bình Tân.
TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng thêm mỗi phường 2 công chức; Ảnh: Nguyễn Phan
Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, dân số của phường thuộc quận là từ 15.000 dân trở lên. Như vậy, bình quân dân số một phường của TP HCM đang là 28.378 dân, gấp 1,89 lần so với quy định.
Mặt khác, bình quân mật độ dân số tại một phường là 14.303 dân/km2, tuy nhiên tập trung tại các quận trung tâm có mật độ dân số rất cao, một số quận có mật độ dân số trên 37.000 dân/km2 như quận 3, 4, 5, 10 và 11.
Thực tế, việc bố trí số lượng công chức bình quân là 15 người/phường không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc. Hiện tại, một cán bộ, công chức làm việc tại phường đang phục vụ bình quân 1.343 người dân.
Khối lượng giải quyết hồ sơ hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngày để phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương diễn ra sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ.
Tuy nhiên, có những nơi có dân số đông, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhiều... còn phải tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngoài giờ làm việc từ 17 giờ - 19 giờ các ngày thứ ba, thứ năm trong tuần.
Qua khảo sát thực tế tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) - là phường có dân số đông nhất trên địa bàn TP, với 125.894 dân - ghi nhận trong năm 2021 đã ban hành 22.000 văn bản tham mưu về quản lý nhà nước, bình quân 1 cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm; 52 văn bản/tháng.
Tổng số hồ sơ giải quyết là 113.449 hồ sơ, bình quân 1 cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/người; 270 hồ sơ/tháng.
Từ những khó khăn trên, TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 33/2021 từ bình quân 15 người/phường thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống.
Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức.
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, UBND TP HCM cho biết từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, TP HCM có tổng cộng 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng.
Trong đó, cán bộ, công chức là 676 người. Ở cấp thành phố, cán bộ, công chức xin nghỉ việc nhiều nhất tại Sở Xây dựng với 23 người, xếp sau là Sở Kế hoạch - Đầu tư với 22 người. Ở cấp huyện, TP Thủ Đức là địa phương có số cán bộ, công chức nghỉ việc nhiều nhất với 40 người, tiếp đó là quận 6 với 35 người.
Bên cạnh đó, có 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ cao nhất với 2.436 người, tiếp theo là y tế 2.145 người, còn lại là các lĩnh vực sự nghiệp khác.
Có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, gồm: chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, TP HCM là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP HCM là 441.000.
"Tức là một biên chế của thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần cả nước. Tất nhiên sẽ có rất nhiều áp lực thì chắn chắn sẽ có sai sót. Biên chế của quận và phường phải xét đến yếu tố dân số" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận. "Có lần tôi xuống Bình Chánh, 18 giờ 30 phút vẫn thấy anh em sáng đèn làm việc. Chồng con ở nhà sao chịu nổi. Vậy là không ổn" - ông dẫn chứng.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nguyên Bí thư Quận ủy quận 1 - cũng cho biết khối lượng công việc cán bộ, công chức quận 1 phải giải quyết rất nhiều, đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ phải quay trở lại công việc.
Bình luận (0)