Tại hội thảo "Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 22-4, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và khách mời đã cùng thảo luận các vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị, ý nghĩa dòng sông đối với người dân thành phố.
Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi cách ứng xử với sông Sài Gòn.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng sông Sài Gòn uốn lượn tạo ra những "cục u của con lạc đà" như Thanh Đa hay Thủ Thiêm. Nếu không cẩn thận, con người sẽ bào mòn những "cục u" và khiến chúng mất đi.
Theo TS Hòa, sông Sài Gòn chảy một cách hiền hòa, phù sa dễ ứ đọng, tích tụ dẫn đến nền đất yếu, không có chân gọi là "đất mượn". Do đó, TP HCM phải tìm ra mô hình phát triển để thích nghi với dòng sông, để lại di sản dòng sông cho con cháu.
Ông Nguyễn Minh Hòa cảnh báo về nguy cơ, thậm chí là tai họa với tương lai nếu không ứng xử đúng đắn với dòng sông Sài Gòn.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa cảnh báo nguy cơ nếu không ứng xử đúng đắn với sông Sài Gòn.
Còn KTS Hồ Viết Vinh nhận định: "Chúng ta đang quay lưng lại với dòng sông dù dòng sông cho chúng ta sự sống. Chúng ta đang ứng xử với dòng sông theo cách không tương xứng với giá trị nó mang lại".
Theo ông Vinh, sông Sài Gòn là bố cục chính của tổng thể TP HCM. Phía Bắc thành phố có rừng Củ Chi, phía Nam có rừng Sác, rất giống với đô thị Paris. Đây như 2 lá phổi cân bằng hệ sinh thái. Do đó, KTS Hồ Viết Vinh cảnh báo nếu không thay đổi cách ứng xử với sông Sài Gòn thì chỉ một phần tư thế kỷ nữa chúng ta sẽ nhận hậu quả.
KTS Hồ Viết Vinh cho rằng sông Sài Gòn đang được đối xử không tương xứng với giá trị nó mang lại.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, cũng nhìn nhận rằng trong quá trình phát triển chúng ta đã không đối xử với dòng sông như mong đợi. Và cách đây 2 năm, lãnh đạo thành phố đã nhận ra điều này.
Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM đã được giao chuẩn bị đề án "phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn giai đoạn 2020-2045". Đến nay, các bước đi rất bài bản từ ý tưởng đến quy hoạch.
Theo đó, Sở QH-KT đã đề xuất UBND TP HCM tổng rà soát lại quy hoạch sông Sài Gòn trong suốt chiều dài từ Củ Chi tới mũi Đèn Đỏ. Trong đó, tập trung rà soát khu vực đã và đang thực hiện theo quy hoạch cùng những khu vực phát triển không phù hợp với chính sách chiến lược của sông Sài Gòn rồi đưa ra giải pháp cụ thể.
Trong quá trình lập quy hoạch, Sở QH-KT sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân để cùng tham gia, chia sẻ để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn.
"Những quy hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi sẽ được rà soát, xem xét, cái nào không phù hợp thì điều chỉnh. Đối với khu vực chưa phát triển thì lập quy hoạch, khu vực phát triển rồi thì lập quy chế quản lý cho khu vực đó để không làm trầm trọng thêm vấn đề xâm lấn sông, không bảo tồn được giá trị sông Sài Gòn. Bên cạnh đó lập quy hoạch mới phát huy thế mạnh, tiềm năng của sông Sài Gòn" - ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Trong quá trình lập quy hoạch sông Sài Gòn, Sở QH-KT sẽ xác định không gian phục vụ cộng đồng nhiều hơn, cùng với đó là hạn chế sự xâm hại và những dự án không hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, Sở QH-KT đề xuất UBND TP những định hướng về cơ chế, chính sách tạo nguồn lực phát triển sông Sài Gòn và mở ra những điều kiện tham gia đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với sự phát triển của sông Sài Gòn.
KTS Huỳnh Xuân Thụ cho rằng cần có chương trình hành động đối với việc bảo vệ và phát triển sông Sài Gòn.
"Sắp tới, trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố chúng tôi cũng đặt ra những kết nối, yếu tố đặc sắc hơn để sông Sài Gòn thể hiện đúng vai trò của mình trong bức tranh tổng thể phát triển không gian thành phố. Sở sẽ đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về triển vọng từ sông Sài Gòn để tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn. Quy hoạch phải gắn với nguồn lực, cơ hội đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp" – Giám đốc Sở QH-KT nhấn mạnh.
Để đạt được mục đích trên, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng cần những cơ chế đặc thù phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. "Chúng ta đang áp dụng cơ chế quản lý tuyến hành lang sông và có thể xem xét điều chỉnh thích hợp để có thêm không gian, quỹ đất phát triển thêm chứ không cứng nhắc, bảo vệ hành lang bờ sông một cách máy móc" – ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Cần sự chia sẻ của người dân
Giám đốc Sở QH-KT TP HCM cho rằng quy hoạch phát triển sông Sài Gòn với tinh thần ổn định cuộc sống người dân tối đa. Tuy nhiên, thành phố không có nhiều quỹ đất nên mong người dân chia sẻ cùng thành phố. Nếu chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư hợp lý và tốt đẹp thì người dân sẽ chấp hành di dời.
"Đâu phải lúc nào thành phố cần cũng có sẵn quỹ đất lớn để phát triển chức năng đô thị nên bắt buộc phải đụng chạm đến người dân. Nhưng quan trọng nhất là cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư, bố trí việc làm cho người dân thỏa đáng thì người dân sẽ ủng hộ và thành phố dễ phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn" – ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Bình luận (0)