Ngày 23-11, Thành ủy- HĐND- UBND- Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23.11.1940 - 23.11.2020).
Dự lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Tham dự buổi lễ còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên...
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ làm rung chuyển chính quyền thống trị của thực dân Pháp và tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Kỳ. Dù chưa đi đến thành công cuối cùng, xong khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện sức mạnh quật khởi của nhân dân, lòng tin tưởng sẵn sàng theo Đảng để giành độc lập tự do, khẳng định ý chí và hành động của nhân dân ta đối với quân xâm lược.
Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ đã chuẩn bị nhiều mặt cho chặng đường đi tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến thần thánh; đã thức tỉnh tinh thần yêu nước sâu rộng trong tầng lớp nhân dân và khơi dậy ý chí, đoàn kết, quật khởi để giành chính quyền; cung cấp cho cách mạng một thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng cốt cán được rèn luyện, thử thách, đồng thời để lại những bài học vô cùng quý báu về xây dựng mặt trận thống nhất dân tộc và đấu tranh vũ trang.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên sau năm 1975, Đảng bộ và chính quyền TP HCM đã phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố xứng đáng với vinh dự là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. "45 năm qua, TP HCM đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay TP HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông và hội nhập quốc tế, là đầu tàu động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.
Trước đó, lãnh đạo Đảng, nhà nước, TP HCM đã dâng hoa, dâng hương tại Di tích Lịch sử quốc gia Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) và Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia Dinh quận Hóc Môn (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn).
Cùng ngày, tại Di tích lịch sử nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn huyện Hóc Môn (TP HCM) đã trang trọng tổ chức Lễ giỗ các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Lãnh đạo huyện Hóc Môn và đại biểu TP HCM đến dâng hương tại lễ giỗ
Ông Đỗ Thanh Hoà, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết lễ giỗ được tổ chức hằng năm nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng bào và các chiến sĩ Nam Kỳ; đồng thời, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn đối với sự hy sinh cao cả của đồng bào và các chiến sĩ Nam Kỳ trong cuộc khởi nghĩa oanh liệt năm ấy.
Các đại biểu TP HCM thăm nhà tưởng niệm
Nhà di tích nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ (20 Trần Văn Mười, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) trước đây là nhà của bà Nguyễn Thị Hương. Tại đây, 80 năm trước, Xứ ủy Nam Kỳ chọn làm nơi họp hội nghị và phát lệnh tổng khởi nghĩa vào tháng 9 năm 1940.
Cụ Trương Thị Mực có 3 người thân hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
Cũng chính tại địa điểm này, ngày 22-11-2010, UBND huyện Hóc Môn long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố đối với "Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ - Tháng 9-1940".
Người dân cùng ôn lại truyền thống cách mạng khi tham dự lễ giỗ
Bình luận (0)