Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 đến 18-11-2020), sáng 18-11, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau đó, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Dự Lễ mít tinh có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, trưởng các đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các vị lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh...
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, để ghi nhận công lao đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không được bao lâu, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18-11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc".
"Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với tinh thần chống dịch như chống giặc, đã có những nỗ lực to lớn và đạt được kết quả bước đầu trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Để kết nối sự chung tay, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19".
"Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận.
Bên cạnh những thuận lợi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho rằng đất nước ta phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là những nguy cơ gây mất ổn định, tác động đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tác động đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta; đó là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.
Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội; chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu cực.
Toàn cảnh buổi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Bác
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: TTXVN
Chương trình văn nghệ chào mừng - Ảnh: TTXVN
Bình luận (0)