Theo đó, mục đích việc ban hành Nghị quyết này nhằm góp phần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính, tạo động lực thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, cho tỉnh; đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu, định hướng của Bộ Chính trị theo Nghị quyết 09.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết lần này quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới…, sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất về đất đai và có quy mô từ 300 ha trở lên.
Một góc Khu kinh tế Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh
Về trình tự, thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, Nghị quyết này quy định theo 4 bước, cụ thể:
Thứ nhất, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp danh mục các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh nói trên, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành danh mục các dự án được tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, sau khi HĐND tỉnh ban hành danh mục dự án quy định từ bước thứ nhất, UBND cấp huyện ban hành thông báo tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất; gửi đến từng người sử dụng đất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.
Thứ ba, trên cơ sở bước thứ 2, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) theo quy định của pháp luật về đất đai triển khai việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất và nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị thu hồi đất (nếu có) trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất.
UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ BTGPMB triển khai thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất.
Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục, để người sử dụng đất thực hiện.
Một góc huyện Cam Lâm nơi đang được quy hoạch thành Khu đô thị mới Cam Lâm
Trong bước thứ 3 có quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sự dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ BTGPMB thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai. Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản này được sử dụng từ ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Thứ 4, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành, UBND cấp huyện ban hành thông báo thu hồi đất và sử dụng kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại bước 3 để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bình luận (0)