Hôm nay (1-7-2021), TP HCM chính thức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 ngày 16-11-2020 của Quốc hội. Để cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 29-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Điểm then chốt trong Nghị quyết 131, Nghị định 33 là tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển TP HCM; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị; tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.
Quyền đại diện, quyền dân chủ và quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao như trước đây. Bộ máy, cơ cấu tổ chức của quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương.
Tiết kiệm khoảng 1.200 tỉ đồng khi không tổ chức HĐND quận, phường
Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị ở TP HCM là không tổ chức HĐND quận, phường. Từ nhiệm kỳ 2021-2026, TP HCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn UBND.
Các Văn phòng HĐND- UBND quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND kể từ hôm nay 1-7. HĐND, UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30-6-2021.
Trước đây, TP HCM đã có 7 năm (giai đoạn 2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Trong quá trình thí điểm, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm.
Điểm nhấn là đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước; không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân TP.
TP HCM đánh giá việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách.
Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỉ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường; đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
Chủ tịch UBND TP HCM bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận
Cũng theo Nghị quyết 131, từ nhiệm kỳ 2021-2026, TP HCM không tổ chức HĐND quận, phường tại quận, phường. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận do Chủ tịch UBND TP HCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TP HCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.
Do đó, ngày 30-6, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn TP HCM, gồm 14 Chủ tịch UBND quận và 47 Phó Chủ tịch UBND quận. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.
Nhiều thay đổi ở UBND quận, phường
Từ ngày 1-7-2021, chủ tịch, phó Chủ tịch UBND phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1-7-2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với vị trí việc làm đó theo quy định của Chính phủ.
Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức.
Một điểm đáng lưu ý ở cấp chính quyền UBND phường khi thực hiện chính quyền đô thị là Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Trước đây chỉ có Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường được ký chứng thực.
Khi không còn HĐND quận, phường, hằng năm, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND TP HCM, Chủ tịch quận, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân ở quận, phường về tình hình hoạt động của quận, phường và những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng của công dân trên địa bàn quận.
Kết quả hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch quận với nhân dân phải được gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP HCM, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND ở quận trước 7 ngày khai mạc kỳ họp thường kỳ gần nhất của HĐND TP HCM.
Sở Nội vụ TP HCM cho biết thực hiện chính quyền đô thị, hiện Sở Nội vụ đang xây dựng trình UBND TP HCM các nội dung: Dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; "Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư khi tổ chức chính quyền đô thị, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức".
Cùng với đó là Quy chế làm việc (mẫu) của UBND thành phố thuộc TP HCM, UBND quận, UBND phường, đảm bảo dung hoà giữa tính thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và không gian cho sự chủ động của các đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Dự thảo văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, miễn nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường nơi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Danh sách 61 lãnh đạo UBND 16 quận vừa được Chủ tịch UBND TP HCM bổ nhiệm
(Trong đó có 14 Chủ tịch, 47 Phó Chủ tịch)
Quận 1: Chủ tịch Lê Đức Thanh (nguyên Chủ tịch UBND quận 2 cũ); các Phó Chủ tịch: Mai Thị Hồng Hoa và Vũ Nguyễn Quang Vinh.
Quận 3: Chủ tịch Võ Văn Đức; các Phó Chủ tịch: Vũ Thị Mỹ Ngọc; Phạm Thị Thuý Hằng và Trần Văn Bình.
Quận 4: Chủ tịch Lê Văn Chiến; các Phó Chủ tịch gồm: Đỗ Thị Trúc Mai; Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Võ Thanh Dũng.
Quận 5: Quyền Chủ tịch Trương Minh Kiều; các Phó Chủ tịch: Trương Minh Kiều; Nguyễn Võ Xuân Kỳ và Nguyễn Xuân Trung. Chủ tịch UBND quận 5 Phạm Quốc Huy vừa được UBND TP HCM điều động, bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV hôm 30-6.
Quận 6: Chủ tịch Lê Thị Thanh Thảo; các Phó Chủ tịch: Lê Thanh Bình; Huỳnh Minh Hùng và Vương Thanh Liễu.
Quận 7: Chủ tịch Hoàng Minh Tuấn Anh; các Phó Chủ tịch: Trần Quốc Xuân; Lê Văn Thành và Nguyễn Thị Bé Ngoan.
Quận 8: Chủ tịch Trần Thanh Tùng; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Thành Sang; Phạm Quang Tú và Nguyễn Thị Thu Hoa.
Quận 10: Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hường (nguyên là Phó Chủ tịch UBND quận 1); các Phó Chủ tịch: Bùi Thế Hải; Nguyễn Huy Chiến; Huỳnh Văn Tâm.
Quận 11: Chủ tịch Trần Phi Long; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Trần Bình; Trần Thúc Chương và Trần Thị Bích Trâm.
Quận 12: Quyền Chủ tịch ông Nguyễn Văn Đức; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Văn Đức; Đậu An Phúc và Võ Thị Chính. Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu vừa được đại biểu HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bầu làm Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP tại kỳ họp thứ nhất hôm 24-6.
Quận Bình Tân: Chủ tịch Nguyễn Minh Nhựt; các Phó Chủ tịch: Phạm Thị Ngọc Diệu; Lê Thị Ngọc Dung và Vũ Chí Kiên.
Quận Bình Thạnh: Chủ tịch Đinh Khắc Huy; các Phó Chủ tịch: Thái Thị Hồng Nga; Đặng Minh Nguyên và Hồ Phương.
Quận Gò Vấp: Chủ tịch Nguyễn Trí Dũng; các Phó Chủ tịch: Đỗ An Khang; Đào Thị My Thư và Nguyễn Ngọc Anh.
Quận Phú Nhuận: Chủ tịch Nguyễn Đông Tùng; các Phó Chủ tịch: Nguyễn Thị Kiều Nhi; Đỗ Đăng Ái và Trần Quang Sáng.
Quận Tân Bình: Chủ tịch Nguyễn Bá Thành; các Phó Chủ tịch: Lê Thị Thu Sương; Trương Tấn Sơn và Thái Thị Lan Chi.
Quận Tân Phú: Chủ tịch Phạm Minh Mẫn; các Phó Chủ tịch: Trịnh Thị Mai Trinh; Nguyễn Quốc Bình và Nguyễn Công Chánh.
Bình luận (0)