Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của phi đội máy bay quân sự thuộc không quân Pháp trong chiến dịch PEGASE, một chiến dịch triển khai đội hình bay tầm cỡ của Pháp tại Đông Nam Á, tướng Patrick Charaix, chỉ huy chiến dịch, ngày 28-8 đã trao đổi với báo chí về hợp tác quốc phòng nói chung và không quân nói riêng giữa hai nước.
Tướng Patrick Charaix (giữa), chỉ huy chiến dịch, trao đổi với báo chí
Theo tướng Patrick Charaix, sự hiện diện của đội hình bay bao gồm 3 chiếc chiến đấu cơ Rafale, 1 máy bay vận tải A400M, 1 chiếc A310 và 1 máy bay tiếp vận C-135 trên bầu trời Việt Nam đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau năm 1954, máy bay quân sự của Pháp chính thức bay và hạ cánh xuống sân bay Việt Nam .
Về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa 2 nước, nhất là trong lĩnh vực không quân, thời gian tới, tướng Patrick Charaix cho biết: "Chuyến thăm được thực hiện sau tập trận tại Úc và chính quyền Úc đã đề nghị đến năm 2020 sẽ tiến hành tập trận nên đến 2020 chúng tôi có thể tổ chức hoạt động tương tự chuyến thăm lần này.
Chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân ở Việt Nam nên chúng tôi muốn triển khai các hoạt động tương tự trong lĩnh vực không quân trong thời gian tới. Chúng tôi nghĩ rằng sự hợp tác của chúng ta có thể tập trung vào mảng đào tạo và đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, ngoài ra, cũng có nhiều lĩnh vực khác như không gian, công nghệ, vật liệu… có thông tin có thể trao đổi với các đối tác.
3 máy bay chiến đấu Rafale của không quân Pháp tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Đại sứ quán Pháp
Mong rằng chuyến thăm này sẽ đặt viên gạch khởi đầu cho quan hệ mới trong lĩnh vực không quân giữa Pháp và Việt Nam , tướng Patrick Charaix cho biết ông đặc biệt vui mừng được giới thiệu công nghệ cao của máy bay tiêm kích Rafale và máy bay vận tải A400M. Đây là những loại máy bay Pháp triển khai thường xuyên trong các hoạt động quân sự của mình. Không quân Pháp hài lòng với các hiệu năng sử dụng của các máy bay này.
"Tại các nước chúng tôi đến thăm, thông thường chúng tôi có đề xuất đại diện quân sự hoặc dân sự bay cùng tiêm kích Rafale vì máy bay Rafale có 2 chỗ ngồi hoặc bay trên chuyến bay VIP trên máy bay vận tải 400M. Tại Việt Nam, chúng tôi quyết định sẽ triển khai chuyến bay VIP. Trong các cuộc trao đổi với các đại diện của các nước thăm, chúng tôi có trao đổi về hợp tác, giao lưu, đào tạo quân nhân…. Đồng thời là mối quan hệ hợp tác trong tương lai"- ông chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đây là đội máy bay tác chiến, có thể tập trận vậy khả năng tập trận chung giữa 2 nước thời gian tới?, tướng Patrick Charaix cho biết: "Những hoạt động tập trận như vậy hoàn toàn có thể nghĩ tới và bàn bạc để có thể triển khai trong tương lai vì chúng tôi có những máy bay tiêm kích ở các căn cứ không quân ở Djibouti, ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, chúng tôi cũng có các máy bay thực hiện các chuyến thăm ở khu vực nên những hoạt động hợp tác như vậy kể cả hợp tác kỹ thuật viên cơ khí, điều phối viên không lưu là điều hoàn toàn có thể nghĩ đến trong tương lai.
Lịch trình phát triển từ chuyến thăm của Tổng Bí thư
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Olivier Sigaud cho biết đây là chiến dịch có tính lịch sử khi là lần đầu tiên kể từ năm 1954 các máy bay quân sự của Pháp bay trên bầu trời Việt Nam và hạ cánh tại sân bay của Việt Nam .
Đây cũng là một sự kiện mang tầm chính trị quan trọng. Trong chuyến thăm Pháp tháng 3 vừa qua trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Pháp đã bày tỏ mong muốn quan hệ song phương phát triển hơn nữa trên lĩnh vực quốc phòng. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây vài tháng đã đưa ra lịch trình trong phát triển quan hệ song phương trên lĩnh vực quốc phòng.
Việc triển khai chiến dịch PEGASE trên địa bàn Việt Nam là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện lịch trình.
Ngoài yếu tố về lịch sử, chính trị, chiến dịch PESAGE còn có ý nghĩa về mặt chiến lược. Sự hiện diện của các máy bay quân sự của Pháp trong khu vực thể hiện sự hiện diện quân sự Pháp ở đây. Chuyến thăm cũng nhằm thể hiện năng lực của Pháp triển khai đội hình máy bay và công nghệ mạnh nhất ở trong khu vực.
Pháp cũng là một quốc gia hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cụ thể, Pháp có những phần lãnh thổ ở khu vực khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và với 9 triệu km2 các khu đặc quyền kinh tế trên biển, Pháp là nước đứng thứ 2 trên thế giới về diện tích này. Phần lớn trong 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Pháp nằm trong khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Pháp trong khu vực này thể hiện qua 1,5 triệu người Pháp đang sinh sống và làm việc tại khu vực. Pháp có 125 dự án đầu tư trực tiếp trong khu vực. Pháp có khoảng 7.000 nhân viên quân sự triển khai thường trực ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự hiện diện mang tính chiến lược đó của Pháp trong khu vực tạo nên các mối quan hệ đối tác với các đối tác trong khu vực.
"Chúng tôi chọn Việt Nam là một trong những điểm triển khai chiến dịch PESAGE thăm Việt Nam lần này thể hiện tầm quan trọng mà Pháp dành cho vị thế của Việt Nam trong quan hệ song phương giữa 2 nước"- ông Olivier Sigaud nói.
Bình luận (0)