Thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết từ ngày 26 đến 29-8 tới, chiến dịch Pegase của Không quân Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Chiến đấu cơ Dassault Rafale của Không quân Pháp tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) ở Darwin, Úc, ngày 24-7-2018. Nguồn ảnh: Reuters
Với việc triển khai đội hình bay gồm 3 chiến đấu cơ Rafale, 1 máy bay vận tải A400M, 1 máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310, Không quân Pháp huy động tới 100 thành viên đội bay cho chiến dịch này, do Tướng không quân (S2) Patrick Charaix dẫn đầu.
Phía Pháp dự kiến gặp các cơ quan địa phương, họp đội hình bay, bay trình diễn và đón tiếp công chúng, chụp ảnh máy bay. Các thành viên đội bay của Pháp và Việt Nam cũng có kế hoạch gặp gỡ.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch Pegase (Triển khai đội hình không quân tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á-Thái Bình Dương, diễn ra sau đợt diễn tập Pitch-Black ngày 27-7 đến 17-8 của Pháp tại Úc. Ngoài Việt Nam, Không quân Pháp còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ.
Theo Đại sứ quán Pháp, chiến dịch Pegase là dịp để đội hình máy bay này của Pháp thực hiện chuyến thăm đầu tiên Việt Nam, thể hiện mối quan hệ năng động Pháp-Việt trong lĩnh vực quốc phòng, trong bối cảnh năm nay hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Sơ đồ triển khai chiến dịch Pegase của Không quân Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Chiến dịch này góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực có lợi ích chiến lược quan trọng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Pháp với các đối tác chiến lược chính trong khu vực. Theo Đại sứ quán Pháp, chiến dịch cho phép duy trì năng lực tác chiến đội bay, sẵn sàng để triển khai tới bất cứ nơi nào trên thế giới, phát huy năng lực triển khai sức mạnh không quân của Pháp và ngành công nghiệp hàng không quốc phòng.
Chiến đấu cơ Rafale là sản phẩm của hãng Dassault Aviation, một công ty chuyên sản xuất máy bay quân sự của Pháp, phát triển từ giữa những năm 1980 và được đưa vào trang bị trong Hải quân Pháp từ năm 2000 và Không quân Pháp từ năm 2004.
Rafale hiện là máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Pháp
Rafale được giới quân sự đánh giá cao về khả năng không chiến, được trang bị tính năng tác chiến điện tử SPECTRA có thể bảo vệ máy bay khỏi những kẻ thù trên không cũng như dưới đất, và giúp phi công có thể chiến đấu hiệu quả hơn.
Rafale là một máy bay chiến đấu "đa nhiệm" khi có khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ của 7 loại máy bay khác nhau, có thể thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn hay dài hạn như tấn công mặt đất, trên biển, trên không, phòng thủ, ngăn chặn các vụ tấn công hạt nhân… Hiện tại, tàu sân bay Charles de Gaulle duy nhất của Hải quân Pháp được trang bị khoảng 10 chiếc chiến đấu cơ Rafale.
Máy bay chiến đấu Rafale có chiều dài: 15,27 m, sải cánh: 10,80 m, chiều cao: 5,34 m, diện tích cánh: 45,7 m², trọng lượng không tải: 9.060 kg, trọng lượng có tải: 9.500 kg, trọng lượng cất cánh tối đa: 24.500 kg.
Máy bay có tốc độ tối đa: >Mach 2 (2.250 km/h), tầm hoạt động: 1.800 km, trần bay: 18.000 m, tốc độ lên cao: 333 m/s.
Chiến đấu cơ Rafale có thể mang tới 9,5 tấn vũ khí gồm nhiều tên lửa đối không và đối đất, đối hải hiện đại
Chiến đấu cơ Rafale có khả năng mang tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển. Rafale được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.
Chiến đấu cơ Rafale được trang bị 1 pháo 30 mm GIAT 30/719B với 125 viên đạn; cùng nhiều tên lửa đối không hiện đại bậc nhất hiện nay như: MICA IR/EM, hay AIM-9, AIM-132 ASRAAM, AIM-120 AMRAAM, MBDA Meteor hoặc Magic II. Tên lửa không đối đất: MBDA Apache hay SCALP EG, AASM hoặc AM 39 Exocet. Đặc biệt, chiến đấu cơ Rafale có thể được trang bị tên lửa hạt nhân ASMP hay ASMP-A, loại tên lửa hành trình có thể được phóng ra như một phát bắn cảnh báo trước một cuộc tấn công hạt nhân.
Bình luận (0)