Ngày 4-3, Việt Nam-Ấn Độ đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong đó nhấn mạnh các mặt hợp tác quốc phòng - an ninh; kinh tế; hợp tác phát triển; năng lượng; văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân; kết nối; hợp tác khu vực; đa phương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: TTXVN
Tăng cường hợp tác quốc phòng
Hai bên nhất trí hợp tác quốc phòng-an ninh là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và bày tỏ hài lòng về những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực này. Hai bên hoan nghênh trao đổi đoàn cấp cao về quốc phòng-an ninh, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, buôn bán ma túy và an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Về kinh tế, hai bênh nhất trí tìm kiếm các biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỉ USD vào năm 2020.
Hai bên nhấn mạnh cam kết đối với không gian mạng mở, tự do, an toàn, ổn định, hòa bình và có thể tiếp cận dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Ấn Độ khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong hợp tác quốc phòng, đào tạo nâng cao năng lực cho Việt Nam. Hai bên nhất trí đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam và thúc đẩy sớm ký Hiệp định khung về sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD cho công nghiệp quốc phòng. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi đoàn quốc phòng cấp cao, đối thoại, hợp tác giữa các quân binh chủng, các chuyến thăm của tàu hải quân và tàu cảnh sát biển, các dự án nâng cao năng lực, mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ và hợp tác trên các diễn đàn khu vực như ADMM+.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm chống cướp biển, bảo đảm an ninh các tuyến đường biển, trao đổi thông tin hàng hải phi quân sự. Trên tinh thần đề xuất về thiết lập Đối thoại chiến lược ASEAN - Ấn Độ về hợp tác hàng hải được nêu tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi vào 1-2018, hai bên nhất trí thúc đẩy tham khảo song phương về các vấn đề trên biển.
Hai bên lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bao gồm cả khủng bố xuyên biên giới.
Hoan nghênh DN Ấn Độ mở rộng thăm dò, khai thác dầu khí
Về hợp tác năng lượng, hai bên nhất trí hợp tác về thăm dò dầu khí, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang có những phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên đất liền và tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) và đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ tích cực nghiên cứu, sớm có đề xuất với những lô dầu khí phía Việt Nam đã giới thiệu. Hai bên nhất trí tích cực thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3. Phía Việt Nam ủng hộ các công ty dầu khí Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam; cảm ơn Ấn Độ đề xuất hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Việt Nam ghi nhận đề nghị của Ấn Độ về việc xem xét tích cực việc ký kết Hiệp định khung về Liên minh Năng lượng mặt trời nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
Hai bên tái khẳng định quyết tâm và nỗ lực hợp tác trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng, và sự cần thiết của việc tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bao gồm việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế một cách thiện chí, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trên tinh thần đó, hai bên ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Xem toàn văn Tuyên bố chung tại đây.
Sáng 4-3, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu với các học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở New Dehli.
Xem toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại đây.
Xem phần hỏi đáp của Chủ tịch nước với các học giả và sinh viên tại đây.
Bình luận (0)