Sáng nay 1-8, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, nhiều lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco... đồng loạt kiến nghị được tạo điều kiện để làm nhà xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: Nhật Bắc
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m2.
Tuy nhiên, con số trên chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra, do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ sẽ chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030.
Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Tập đoàn phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết tập đoàn này phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Hoa cũng đưa ra một số kiến nghị cần sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ ngành, địa phương...
"Chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt"- ông Hoa đề xuất.
Cũng theo ông Hoa, liên quan đến vấn đề quy hoạch, hiện nay tất cả đề án có nhà ở xã hội liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội,… Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu.
Đặc biệt, theo đại diện Vingroup, hiện thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu.
"Qua thông tin của các sở, ngành là tối thiểu 600 ngày hoặc dài hơn. Cần rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội"- ông Hoa đề xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group, bày tỏ sự "rất vinh dự" được tham gia đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển quỹ nhà xã hội.
Ông Trường đặt vấn đề quy định của Luật Nhà ở thì đối tượng mua nhà ở xã hội gồm 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội. Do vậy, đại diện Sun Group kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.
Thực tiễn, trong thời gian qua, Tập đoàn Sun Group đã triển khai xây dựng các khu nhà ở xã hội Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động.
Mặt khác, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, cũng nhấn mạnh sẵn sàng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
"Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam, tôi đề xuất Chính phủ cần có chế, chính sách huy động doanh nghiệp vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thực tế nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TP HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân"- ông Dương Công Minh chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê.
"Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất chúng tôi đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục. Dự án nhà ở thương mại chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo mà 1 dự án mất tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục"- ông Minh thẳng thắn góp ý.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội
Còn Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cho rằng nếu có chính sách hữu hiệu thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp.
Ông Hội cũng băn khoăn các đối tượng được đưa ra ở hội nghị chỉ ghi là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy, đối tượng được thuê mua nhà cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê-mua.
"Chúng tôi cam kết đóng góp phát triển quỹ nhà nhưng nhà nước cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan… Chính phủ nên nghiên cứu để đưa vào 1 đầu mối, chỉ 1 cơ quan đưa ra quyết định"- ông Hội đề xuất.
Còn đại diện lãnh đạo Becamex Bình Dương cho biết đã xây dựng 64.000 căn nhà ở xã hội hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m2; tiến tới có thể xây dựng 120.000 căn hộ. Theo đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đến năm 2030, TP HCM xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho hay TP HCM quy mô dân số trong giai đoạn từ 2021-2025 dự kiến tăng 1 triệu người, tức là trong 1 nhiệm kỳ, quy mô dân số đang là 1 triệu dân. Như vậy trong thời gian tới, quy mô dân số đến năm 2030 tăng 11,3 triệu dân, bình quân mỗi năm tăng 200.000 dân.
Nhu cầu của TP HCM về nhà ở xã hội cũng đã được Bộ Xây dựng thẩm định chương trình và thành phố đã phê duyệt chương trình này. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, TP HCM xây dựng 35.000 căn hộ xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng 58.000 căn. Như vậy từ nay đến năm 2030, TP HCM xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết TP HCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội để làm sao có điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục. TP HCM đã chủ động rút ngắn thủ tục nhất, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM sẽ tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để mua. Trước mắt, sẽ phấn đấu xây dựng 70.000 căn nhà ở xã hội.
Bình luận (0)