Sáng 8-7, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030.
Dành 12.000 tỉ đồng xây nhà ở xã hội
HĐND thành phố thống nhất quan điểm phát triển nhà ở phải bảo đảm các quy định của pháp luật về nhà ở và các quy định, chiến lược của quốc gia. Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở cho người dân, bảo đảm thành phố là nơi có điều kiện sống tốt để lao động chất lượng cao, cả trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc.
Quan điểm của TP HCM là chuyển mô hình nhà ở từ thấp sang cao tầng, tăng tỉ lệ nhà ở chung cư; ưu tiên phát triển dự án nhà ở thuộc các khu đô thị mới, hạn chế phát triển dự án mới trong nội thành để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.
TP HCM cũng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội (NƠXH); đồng thời bố trí vốn ngân sách phát triển NƠXH để cho thuê, thuê mua; tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ.
Khu lưu trú công nhân tại Khu Chế xuất Linh Trung II (TP HCM). Ảnh: QUỐC ANH
TP HCM đặt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân tối thiểu đến năm 2025 là 10 m2/người, đến năm 2030 là 12 m2/người.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, TP HCM tăng 50 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026-2030 tăng 57,5 triệu m2 sàn. Dự kiến phát triển nhà ở thương mại tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 15,5 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 khoảng 21,4 triệu m2 sàn. Con số này ở nhà ở riêng lẻ là 31,9 triệu m2.
Giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn NƠXH (khoảng 35.000 căn nhà). Trong đó, nhà cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn (7.000 căn), nhà ở lưu trú công nhân là 220.000 m2 sàn (4.500 căn). Giai đoạn 2026-2030, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn NƠXH (58.000 căn), trong đó nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn (11.600 căn), nhà ở lưu trú công nhân là trên 480.000 m2 sàn (8.000 căn).
Ngân sách phát triển NƠXH dự kiến chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn phát triển loại hình nhà này với khoảng 3.770 tỉ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỉ đồng giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu nhằm đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua, bao gồm cả NƠXH cho công nhân.
Về nhà ở công vụ, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ, tương ứng khoảng 14 căn nhà ở công vụ tại huyện Củ Chi.
Khu vực trung tâm và nội thành tập trung xây dựng nhà ở chung cư cao tầng, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô. Đẩy mạnh phát triển nhà tại khu vực các quận nội thành phát triển như quận 7, 12, Bình Tân và TP Thủ Đức để hình thành các hạt nhân trung tâm đô thị trên địa bàn.
TP HCM sẽ chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên. Từng bước phát triển hạ tầng tại các khu vực ngoại thành, để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở, ưu tiên các dự án nhà ở giá rẻ.
Triển khai 6 giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết trong giai đoạn 2016-2020, thành phố xây dựng thêm 15.000 căn NƠXH, trong số này tỉ lệ sử dụng vốn ngân sách chỉ chiếm 6%, hầu hết là vốn doanh nghiệp (DN). Trong giai đoạn mới 2021-2025, thành phố ưu tiên phát triển NƠXH nên cần có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân. Vì vậy, thành phố chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu bố trí vốn ngân sách xây dựng NƠXH trong giai đoạn mới, để góp phần cùng DN thực hiện NƠXH. Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố 6 giải pháp để đẩy nhanh phát triển NƠXH giai đoạn mới.
Cụ thể, Sở Xây dựng đã rà soát quỹ đất NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại, trên địa bàn thành phố có 33 dự án nhà ở thương mại, trong đó có 20% quỹ đất NƠXH. Nếu xây dựng NƠXH trên quỹ đất này, sẽ có thêm 70.000 căn hộ. Trước mắt, giai đoạn hiện nay có 14 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể triển khai ngay trong năm 2022-2023 và đưa vào sử dụng hơn 15.000 căn. Sở Xây dựng cùng các sở ngành đang hỗ trợ các DN để thực hiện nhanh các dự án này.
Sở Xây dựng đề xuất thành phố sắp xếp lại quỹ đất do nhà nước quản lý để điều chỉnh quy hoạch, rà soát bổ sung chỉ tiêu triển khai quỹ đất xây dựng NƠXH để đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện. Hiện thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương rà soát các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số để sớm triển khai việc này.
Thực hiện rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, các quỹ đất có quy mô lớn để tổ chức đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án lớn về NƠXH nhằm giảm giá thành nhà ở trên địa bàn thành phố để cán bộ, công chức, người dân thu nhập thấp có thể tiếp cận được.
Điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án là cải cách thủ tục hành chính. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND thành phố quy trình rút ngắn thủ tục đầu tư để các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở. "Dự kiến trong quý III năm nay sẽ trình để ban hành quy trình này để tổ chức thực hiện" - ông Trần Hoàng Quân nói.
Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND thành phố mạnh dạn ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các thủ tục đầu tư về NƠXH, nhà ở lưu trú công nhân trên địa bàn ngay trong quý III/2022. Đề xuất thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách thực hiện các dự án NƠXH để có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phục vụ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Bình luận (0)